Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Những nội dung mới về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân được quy định tại Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH 15 ngày 13/12/2022
6/2/2023 8:52:45 AMSau khi Luật xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH ngày 20/01/2014 có hiệu lực pháp luật thì thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được chuyển giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Việc chuyển quyền quyết định áp dụng các biện pháp hành chính trên từ UBND cấp huyện, cấp tỉnh sang Tòa án là một bước chuyển cơ bản từ các quyết định mang tính thủ tục hành chính sang việc thụ lý, xem xét và phán quyết của một cơ quan bảo vệ pháp luật. Hơn nữa với sự chuyển giao này pháp luật nước ta đã nâng cao hơn việc bảo đảm quyền con người trong quá trình xem xét quyết định hay không quyết định đưa hay không đưa một người có hành vi vi phạm hành chính vào trường giáo dưỡng, vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thông qua bước thụ lý hồ sơ và họp xét, quyết định chính thức theo đề nghị của các cơ quan chức năng.

Để bảo đảm quyền con người, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được chặt chẽ hơn, phù hợp với việc áp dụng biện pháp hành chính đối với người chưa thành niên ngày 13/12/2022 UBTVQH ban hành Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH (gọi tắt là Pháp lệnh số 03) có hiệu lực từ ngày 01/02/2023 thay thế Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH ngày 20/01/2014.

Tại khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh 03 quy định:"...Người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ".

Như vậy theo quy định trên đối với người bị đề nghị mà là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ cho họ, so với quy định cũ chỉ yêu cầu Đoàn luật sư  phân công văn phòng luật sư cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, quy định mới này phù hợp với các quy định áp dụng biện pháp hành chính đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi.

Tại Pháp lệnh 03 quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Đối với các chi phí cho việc phiên dịch, dịch thuật; chi phí cho luật sư, trợ giúp viện pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị. Nếu người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên tự yêu cầu thì họ tự chi trả; nếu do Tòa án yêu cầu thì Tòa án phải chi trả; trường hợp trợ giúp viên pháp lý, luật sư do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử thì thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Đây là quy định mới so với pháp lệnh 09/2014.

Tại khoản 1Điều 21 pháp lệnh 03 quy định: Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến. Như vậy pháp lệnh bổ sung thêm hình thức phiên họp xem xét, quyết định biện pháp hành chính bằng hình thức trực tuyến, phù hợp với tình hình cải cách tư pháp cũng như chuyển đổi số hiện nay.         

Tại điểm h khoản 2 Điều 21 quy định: Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị có quyền tranh luận với người đề nghị hoặc người ủy quyền, việc tranh luận theo sự điều hành của Thấm phán và không được giới hạn thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận trình bày hết ý kiến. Như vậy trong quy định này đã thể hiện tính dân chủ, công khai, đảm bảo quyền của con người theo quy định pháp luật.

Ngoài ra còn quy định tại phiên họp Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh 03.

                    Phạm Thị Duyên-Kiểm sát viên Viện KSND huyện Tiền Hải

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 166

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5885688