Tuyên truyền, phổ biến PL
Một số điểm mới cơ bản của Quy định 114-QĐ/TW về trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
8/14/2023 7:25:03 AMNgày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thay thế quy định 205- QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định 114 ra đời không những hoàn thiện các quy định của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII mà mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi lĩnh vực trong đó có công tác công tác cán bộ.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát Thái Bình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, cũng như thực hiện Chỉ thỉ 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân góp phần xây dựng ngành Kiểm sát Thái Bình vững mạnh toàn diện, Phòng 15 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nghiên cứu, sưu tầm và nêu một số điểm mới cơ bản của Quy định 114 -QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ so với Quy định 205, cụ thể như sau:

- Về tên gọi: Quy định 114 đã thay đổi cơ bản đó là: “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Trong khi, Quy định 205 chỉ tập trung vào nội hàm “chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ”.

- Về phạm vi điều chỉnh: Quy định 114 đã mở rộng phạm vi hơn so với Quy định 205 đó là: “Quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm”.

Trong Quy định 205, đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ” thì với Quy định 114, đối tượng áp dụng được bổ sung là “tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ”. Quy định 114 đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác cán bộ.

- Về giải thích từ ngữ: Quy định 114 đã giải thích, bổ sung làm rõ hơn nội hàm các khái niệm về “tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ”, “cơ quan liên quan”, “cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm” và “người có quan hệ gia đình” được hiểu rõ, cụ thể hơn đó là: “vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật”. Trong khi, Quy định 205 chỉ quy định các nội dung liên quan đến quyền lực trong công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và nhân sự.

- Về hành vi tham nhũng: Quy định số 114 dành hẳn 01 chương (Chương II) với 03 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Điều 3, Quy định số 114 nêu 08 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ. Các hành vi cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền được quy định tại Điều 11, Quy định 205. Quy định 114 bổ sung một số hành vi mới đó là: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định 114 đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; 4khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Kế thừa hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định trong Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền như: chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.
Ngoài ra, kế thừa một số nội dung phù hợp tại Quy định 205, Quy định 114 bổ sung thêm một số hành vi tiêu cực khác như: thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị buộc thôi việc: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm quy định nêu trên, nếu bị khiển trách thì sau 12 tháng mới được xem xét quy hoạch; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Người bị cảnh cáo sẽ bị xem xét miễn nhiệm, sau 30 tháng mới được quy hoạch. Người bị cách chức, sau 60 tháng mới được xem xét quy hoạch. Người bị khai trừ Đảng sẽ bị đề xuất buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

- Về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị: Quy định 114 được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ... Đặc biệt, Khoản 5, Điều 6, Quy định 114 quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan đến 13 ngành gồm: “Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

Phòng 15 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh  

 

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1252

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5804584