Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Rút kinh nghiệm đối với Bản án dân sự sơ thẩm có vi phạm dẫn đến phải sửa án do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình và kháng cáo của đương sự
10/4/2023 4:52:19 PMThông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình nhận thấy: Vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn ông Ngô Đình G, sinh năm 1947, bị đơn bà Ngô Thị Ng, sinh năm 1953, cùng địa chỉ: Thôn ĐT, xã CT, huyện H do Tòa án nhân dân huyện H thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm có vi phạm trong việc xác định chưa đầy đủ về các loại đất thuộc di sản, xác định không đúng về giá trị di sản và giá trị kỷ phần thừa kế cũng như mức án phí mà đương sự phải chịu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, cụ thể như sau:

1. Nội dung vụ án

Hai cụ Ngô Đình G1 (chết năm 1994) và Đỗ Thị Q (chết năm 2017) sinh được 04 người con chung là: bà Ngô Thị D, ông G, ông Ngô Đình G2 (Ông G2 chết năm 2013, có vợ là Nguyễn Thị Th - đã chết, các con là anh Ngô Đình M, anh Ngô Đình H, chị Ngô Thị Th1) và bà Ngô Thị Ng. Hai cụ không có con riêng hay con nuôi nào khác, bố mẹ hai cụ đều chết trước hai cụ, hai cụ chết không để lại di chúc (trừ văn bản phân chia phần đất cho bà Ng vào năm 2008). Di sản của 02 cụ để lại gồm: Thửa đất số 13, diện tích 560,7m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm và thửa đất số 14, diện tích 282,6m2 đất ao đều thuộc tờ bản đồ 05 đo đạc năm 2006 tại thôn ĐT, xã CT, huyện H, tỉnh T.

Vào năm 2008, bà Ng có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã CT thực hiện phân chia một phần đất để làm nhà, Ủy ban nhân dân xã CT đã cử người xuống đo đạc, cụ Q là người chỉ mốc giới và đo đạc thực địa xác định cụ Q cho bà Ng phần diện tích 162,87m2 đất (không rõ loại đất gì). Phần đất còn lại ông G và cụ Q mỗi người sử dụng một phần. Đối với phần đất của cụ Q sử dụng thì sau khi cụ Q chết ông G2 đã phá nhà của cụ Q đi và xây dựng nhà mới, hiện nay anh Ngô Đình M và anh Ngô Đình H đang sinh sống trên phần đất này. Giữa phần đất các hộ sử dụng có cắt ra một phần diện tích 66,7m2 để làm ngõ đi chung.

Ông G khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại, ông đề nghị không công nhận việc cụ Q đã định đoạt cho bà Ng 162,87m2, đề nghị Tòa án phân chia di sản của các cụ để lại là toàn bộ đất ở và đất vườn thửa số 13 diện tích 560,7m2; đất ao diện tích 282,6m2. Ông G đề nghị được nhận bằng hiện vật.

Bị đơn bà Ng cho rằng bà đã được cụ Q định đoạt cho 162,87m2, hiện nay phần đất của bố mẹ bà để lại gia đình bà, gia đình ông G và con của ông G2 sử dụng, xây dựng nhà trên đất, được xây khuôn viên riêng nên đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không cần phân chia.

Bà D nhất trí với yêu cầu của ông G, phần thừa kế của bà được hưởng bà cho toàn bộ ông G.

Bản án số 01/2023/DSST ngày 21/3/2023 của Tòa án nhân dân huyện H quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông G về việc chia di sản thừa kế của cụ Ngô Đình G1 và cụ Đỗ Thị Q.

2. Xác định di sản thừa kế.

2.1. Di sản thừa kế của cụ G1:

Xác định tài sản chung của cụ G1 và cụ Q là diện tích đất 560,7m2 loại đất ở và đất vườn tại thửa đất số 13 và 282,6m2 đất ao tại thửa đất số 14, đều thuộc tờ bản đồ số 5 tại thôn ĐT, xã CT, huyện H được chia làm 2 phần của cụ G1 và cụ Q mỗi người là 462.803.040 đồng (bao gồm 560,7m2 x 800.000 đ/m2 + 282,6m2 x50.400 đ/m2) : 2 = 231.405.520 đồng. Di sản thừa kế của cụ G1 là 231.401.520 đồng : 5 người gồm cụ Q, bà D, ông G2, ông G và bà Ng mỗi người được hưởng 46.280.304 đồng.

2.2. Di sản thừa kế của cụ Đỗ Thị Q gồm:

Số tiền cụ Q được hưởng thừa kế của cụ G1 là 277.681.824 đồng được trừ đi phần đã cho bà Ng 130.296.000 đồng = 147.385.824 đồng : 4 suất thừa kế gồm bà D, ông G, bà Ng, (anh H, anh M, chị Th1) mỗi người được hưởng 36.846.456 đồng.

3. Chia di sản thừa kế của của cụ G1 và cụ Q như sau:

3.1. Chia cho ông G được quyền sử dụng 165,7m2 đất ở và đất vườn tại thửa số 13 tờ bản đồ số 5, có trị giá 159.240.000 đồng. Chia cho ông G được quyền sử dụng 141,3m2 đất ao tại thửa số 14 tờ bản đồ số 5, có trị giá là 7.121.520 đồng.

3.2. Chia cho bà Ngô Thị Ng được quyền sử dụng 233,9m2 đất ở và đất vườn tại thửa số 13 tờ bản đồ số 5, có trị giá là 187.120.000 đồng. Chia cho bà Ngô Thị Ng được quyền sử dụng 141,3m2 đất ao tại thửa số 14 tờ bản đồ số 5, có trị giá là 7.121.520 đồng.

3.3. Chia cho Ngô Đình M, anh Ngô Đình H, chị Ngô Thị Th1 được quyền sử dụng 94,4m2 đất ở và đất vườn tại thửa số 13 tờ bản đồ số 5, có trị giá là 75.520.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo.

Qua công tác kiểm sát bản án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án trên, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

- Vi phạm về xác định di sản thừa kế của hai cụ G1 và cụ Q: Theo bản đồ 299 đo đạc năm 1986 và sổ mục kê thì cụ G1 và cụ Q sử dụng thửa 118, tờ bản đồ 02, diện tích theo bản đồ là 430m2 đất ở, diện tích ghi tại sổ mục kê là 435m2 và thửa 211, tờ bản đồ 02, diện tích 240m2 đất ao đều ghi tên người sử dụng là cụ G1; theo đo đạc năm 2006 là thửa 13, tờ bản đồ 05, diện tích 560,7m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm và thửa 14, tờ bản đồ 05, diện tích 282,6m2 đất ao ghi tên người sử dụng là cụ G1 và cụ Q; đo đạc hiện trạng năm 2022 phù hợp với đo đạc năm 2006. Quá trình sử dụng đất không có tranh chấp về ranh giới, mốc giới với các hộ liền kề, không chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, tặng cho ai diện tích đất nào, có sự biến động đất qua các thời kỳ là do sai số trong quá trình đo đạc, đối với thửa đất số 13 diện tích 560,7 m2 sổ sách quản lý tại địa phương chỉ ghi chung là đất ở và đất vườn, địa phương không xác định được vị trí cụ thể của từng loại đất.

Căn cứ vào kết quả xác minh địa phương cung cấp về việc không xác định được vị trí cụ thể từng loại đất ở và đất vườn của thửa đất số 13, Bản án sơ thẩm đã gộp chung vào cùng loại đất ở và đất vườn để phân chia di sản mà chưa xem xét đến các quy định hướng dẫn của Điều 103 Luật đất đai và các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình để xác định cụ thể trong 560,7m2 thửa đất số 13 có bao nhiêu m2 đất ở và bao nhiêu m2 đất vườn (đất trồng cây lâu năm) để phân chia di sản, sẽ khó khăn trong việc thi hành bản án. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải căn cứ vào Quyết định số 86/QĐ-UB ngày 13/3/1986 và Quyết định số 17 ngày 01/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về hạn mức đất ở là 360m2 để phân định diện tích cụ thể từng loại đất, theo đó phần vượt quá diện tích nêu trên sẽ tính là đất vườn (trồng cây lâu năm khác) do đó di sản hai cụ để lại là 360m2 đất ở, 200,7m2 đất vườn và 282,6m2 đất ao.

- Vi phạm về xác định giá trị di sản: Hồ sơ thể hiện đất đang tranh chấp gồm 3 loại: đất ở, đất vườn (trồng cây lâu năm), đất ao. Hội đồng định giá đã cung cấp bảng giá cụ thể cho mỗi loại đất theo đó giá đất ở nông thôn là 800.000 đồng/m2, giá đất vườn (trồng cây lâu năm) là 54.000 đồng/m2, giá đất ao là 50.400 đồng/m2. Do không xác định cụ thể từng loại đất ở và đất vườn nên Bản án sơ thẩm không xác định giá trị của từng loại đất mà dùng kết quả định giá của giá đất ở là 800.000 đồng/m2 để xác định giá chung cho phần di sản là 560,7m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm làm cơ sở tính kỷ phần thừa kế. Việc làm trên khiến việc xác định giá trị di sản không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm nhận định việc bà Ng đã được cụ Q định đoạt cho phần diện tích đất 162,87m2 là có căn cứ, như vậy phần diện tích 162,87m2 này là phần bà Ng đương nhiên được hưởng do cụ Q tặng cho. Tuy nhiên tại phần Quyết định của bản án về việc chia di sản thừa kế của cụ G1 và cụ Q: chia cho bà Ng được quyền sử dụng 233,9 m2 đất ở và đất vườn, trong đó bao gồm cả phần diện tích 162,87m2 bà Ng đã được cụ Q tặng cho năm 2008 là chưa chính xác.

                                    Trương Thị Huyền – Phòng 9 VKSND tỉnh Thái Bình

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 166

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5885691