Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.
11/3/2023 2:12:39 PMThực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự là một trong những giai đoạn rất quan trọng trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự, mang ý nghĩa quyết định đến việc kết luận một người là có tội hay không có tội, quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng có được đảm bảo hay không, việc thực thi pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng có đúng đắn không. Bên cạnh vị trí của Tòa án, thì vai trò của Kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử cũng không kém phần quan trọng. Bởi Kiểm sát viên là người thụ lý hồ sơ ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đến khi khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Hơn ai hết, Kiểm sát viên là người nắm được hết các tình tiết, tài liệu chứng cứ của vụ án, biết được những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì Kiểm sát viên sẽ là người đại diện Viện kiểm sát làm rõ những chứng cứ buộc tội và gỡ tội của vụ án, để từ đó giúp Hội đồng xét xử ban hành bản án được chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cũng là người phát hiện các vi phạm, thiếu sót của Tòa án và những người tham gia tố tụng khác trong suốt giai đoạn xét xử để kịp thời có những đề xuất lãnh đạo ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục được những vi phạm, thiếu sót đó.

Từ thực tiễn xử lý các vụ án, chúng tôi thấy những cách làm như sau có thể mang lại hiệu quả để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.

 Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Con người là yếu tố quan trọng cơ bản, không Lãnh đạo nào có thể thay và làm tất cả các công việc của cán bộ, Kiểm sát viên, do vậy, trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, việc đầu tiên là Lãnh đạo đơn vị phải là người trực tiếp phân loại các vụ án khó, phức tạp để phân công những Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm, có bản lĩnh và nhanh chóng tiếp cận được hồ sơ. Theo đó, Lãnh đạo đơn vị cần thực hiện phân công nhiều Kiểm sát viên làm một vụ án khó, phức tạp để tập trung được trí tuệ tập thể và că cứ vào tính chất vụ việc để chọn người.

Một số vụ án khó, phức tạp ngay từ giai đoạn điều tra khi họp liên ngành  đều có sự tham gia của Viện kiểm sát, Tòa án phát biểu ý kiến nên Lãnh đạo đơn vị tham dự họp cần tranh thủ lĩnh hội các ý kiến phát biểu để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác kiểm sát  điều tra, hạn chế được án trả điều bổ sung. Đồng thời, tiến hành trao đổi, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương về kế hoạch xét xử, những vấn đề vướng mắc phát sinh, dự liệu các tình huống có thể xảy ra, nhằm đảm bảo kết quả xét xử thành công, được dư luận đồng tình, phục vụ được yêu cầu chính trị của địa phương.

Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách án hình sự của Viện kiểm sát
cấp huyện phải chịu trách nhiệm cùng Kiểm sát viên nếu vụ án bị Viện kiểm sát
cấp trên kháng nghị hoặc bị cáo kháng cáo mà vụ án đó bị hủy, sửa. Trên cơ sở đó không xét thi đua hàng năm của cá nhân lãnh đạo đơn vị phụ trách vụ án đó. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị phải có sự nhận xét, đánh giá, phê bình những Kiểm sát viên thiếu trách nhiệm, có vi phạm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm.

 Đối với Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự bắt đầu từ khi chuyển bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn cùng hồ sơ vụ án sang Toà án để xét xử và kết thúc khi bản án và quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này đòi hỏi Kiểm sát viên cần có những tác nghiệp cụ thể từ giai đoạn kiểm sát điều tra. Do mỗi vụ án đều có đặc điểm riêng, mặt khác, do điều kiện thực tế của từng đơn vị nên Quy chế của ngành không thể đề cập hết các tác nghiệp cụ thể của Kiểm sát viên. Từ thực tiễn xử lý các vụ án, chúng tôi thấy những cách làm như sau có thể mang lại hiệu quả:

Giai đoạn kiểm sát điều tra

Một là, kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can: Đây là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất của công tác kiểm sát điều tra. Kiểm sát viên kiểm tra tài liệu xem căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đã đảm bảo chưa, có cần bổ sung thêm nội dung gì nữa không để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Việc làm này phải tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm; tránh việc vội vàng và duy ý chí khi tham mưu phê chuẩn. Trường hợp còn băn khoăn về chứng cứ, tội danh thì có thể yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung, tài liệu, chứng cứ hoặc báo cáo lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo.

Hai là, trao đổi thông tin về vụ án, xây dựng kế hoạch hoặc thống nhất những điểm chính về phối hợp công tác điều tra, kiểm sát điều tra: Khi quản lý và xử lý tin báo hoặc được phân công thụ lý vụ án, Kiểm sát viên phải nhanh chóng nắm chắc diễn biến hành vi phạm tội, kết quả điều tra, thu thập có trong hồ sơ vụ án để bàn với Điều tra viên xây dựng kế hoạch phối hợp công tác kiểm sát điều tra và điều tra. Trong đó, nêu rõ những nội dung cần điều tra, thu thập chứng cứ, đối tượng phải xem xét, xử lý những vấn đề cần làm sáng tỏ thêm… Từ đó, thống nhất về thời gian, phương pháp thực hiện và dự kiến công tác phối hợp về sau. Trên cơ sở thảo luận giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên để thống nhất chung về phương thức, cách thức giải quyết vụ án.

Ba là, đọc và nghiên cứu hồ sơ vụ án: tùy từng hồ sơ vụ án, có thể nghiên cứu, đọc thủ tục tố tụng riêng hoặc tài liệu phản ánh chứng cứ riêng hoặc kết hợp cả hai. Nếu vụ án có nhiều hành vi thì lần lượt đọc từng hành vi từ trước đến sau, từ địa điểm gây án này đến địa điểm gây án khác, từng đối tượng hoặc nhóm đối tượng này đến nhóm đối tượng khác. Chú ý trình tự giải quyết, xử lý vụ án như tiếp nhận tin báo, lấy lời khai ban đầu, tài liệu giám định (nếu có), lời khai của bị can, người bị hại, nhân chứng. Kinh nghiệm cho thấy đọc và nghiên cứu hồ sơ vụ án phải thực hiện từ đầu và suốt quá trình kiểm sát điều tra; tránh việc chỉ đọc hồ sơ giải quyết tin báo, đọc khi tham mưu phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can sau đó dừng lại. Nếu khi án kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát mới đọc tiếp, thì sẽ không nắm được tình trạng hồ sơ, kết quả điều tra. Mặt khác, với vụ án lớn, có hàng ngàn, chục ngàn trang tài liệu, sau khi kết thúc điều tra Kiểm sát viên mới đọc thì rất dễ rối về thông tin.

Bốn là, tăng cường hội ý với Điều tra viên về quá trình điều tra, xử lý vụ án, vì không ai có thể hiểu rõ hồ sơ vụ án, tiến độ điều tra, thu thập chứng cứ hơn Điều tra viên và Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án đó: Kiểm sát viên phải thường xuyên hội ý với Điều tra viên để đánh giá kết quả điều tra, thu thập chứng cứ để thống nhất những nội dung và các bước phải làm tiếp theo. Tại các cuộc hội ý này, Điều tra viên và Kiểm sát viên tự rà soát tiến độ điều tra, kết quả thu thập chứng cứ, các thủ tục tố tụng được thể hiện trong hồ sơ như thế nào? Có gì còn thiếu sót hoặc chưa làm rõ thì khắc phục ra sao? Đối với các vụ án khó, án phức tạp về chứng cứ, tội danh thì Điều tra viên và Kiểm sát viên phải đề nghị Lãnh đạo hai ngành chủ trì cuộc họp để xin ý kiến chỉ đạo. Thời gian tổ chức thực hiện họp liên ngành nên thực hiện vào giai đoạn giữa của thời hạn điều tra.

Năm là, tham gia kiểm sát hỏi cung, kiểm sát lấy lời khai nhân chứng, người bị hại: Hiện nay, Quy chế của ngành có quy định những trường hợp nào thì bắt buộc phải tiến hành kiểm sát hỏi cung và kiểm sát lấy lời khai người làm chứng, người bị hại. Nhưng chúng tôi thấy do yếu tố khách quan và chủ quan, nên nhìn chung, Kiểm sát viên cần quan tâm đúng mức công tác này. Có nhiều vụ án, vai trò của người làm chứng, người bị hại trở thành căn cứ để xác định một đối tượng hoặc nhiều đối tượng có phạm tội hay không. Trong trường hợp này, theo chúng tôi nhất thiết Kiểm sát viên phải kiểm sát việc lấy lời khai. Thực tiễn xử lý các vụ án hình sự cho thấy nhiều người làm chứng vì lý do chủ quan và khách quan nên khai báo thiếu trung thực, ổn định, nên việc kiểm sát lấy lời khai giúp cho Kiểm sát viên đánh giá đúng hơn sự thật khách quan của vụ án, có hay không có sự kiện phạm tội, giá trị lời khai của người làm chứng, người bị hại như thế nào.

Trong giai đoạn truy tố

Trước khi ban hành bản cáo trạng, Kiểm sát viên cần nắm vững 04 trường hợp Toà án ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự để không vấp phải. Kiểm sát viên cần nắm vững toàn bộ nội dung vụ án, đánh giá chính xác, khách quan các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nâng cao trình độ và khả năng phân tích, tổng hợp…đối chiếu với nội dung Kết luận điều tra để xem xét, đánh giá toàn diện. Tùy từng loại tội mà có cách lập luận dựa trên 4 yếu tố cấu thành tội phạm để xây dựng nội dung Cáo trạng một cách vững chắc, có căn cứ.

Trong giai đoạn kiểm sát xét xử hình sự sơ thẩm

Thứ nhất, việc xử lý các tình tiết phát sinh tại phiên toà, chủ yếu là những người tham gia tố tụng các tài liệu này thường liên quan đến: chứng cứ thể hiện bị cáo không phạm tội; chứng cứ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; chứng cứ nhận tội do cơ quan điều tra dùng bức cung, nhục hình; chứng cứ là vật chứng không đúng trong hồ sơ; chứng cứ là các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; chứng cứ mà Cơ quan điều tra chưa điều tra, v.v....

Thông thường chủ toạ phiên toà hỏi quan điểm của Kiểm sát viên về việc xử lý đối với những chứng cứ này, trong trường hợp này, Kiểm sát viên kiểm tra, đánhgiá tính xác thực, hợp pháp của chứng cứ, nguồn chứng cứ mà họ có được? Làm rõ lý do tại sao tại phiên toà mới cung cấp? từ đó có hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật: nếu tài liệu, chứng cứ không đảm bảo tính hợp pháp thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không coi đó là chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Nếu các tài liệu, chứng cứ, đồ vật cung cấp đã đảm bảo tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án nhưng không thay đổi bản chất vụ án, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo, người bị hại, Kiểm sát viên bổ sung trong luận tội để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình cho phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội (chứng cứ là các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Nếu tài liệu chứng cứ trên làm thay đổi bản chất vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng thì Kiểm sát viên căn cứ Điều 251, Điều 253 BLTTHS có ý kiến phát biểu. Cụ thể: với các chứng cứ, đồ vật có thể được xác minh, xem xét thực hiện ngay trong 05 ngày thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên toà để Toà án đi xác minh hoặc phối hợp cùng VKS đi xác
minh (xác minh bổ sung giấy khai sinh để xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Với các chứng cứ, đồ vật cần có thời gian để xem xét, xác minh bổ sung thì Kiểm sát viên đề nghị tạm hoãn phiên toà (yêu cầu giám định tâm thần đối với bị cáo). Trường hợp không thể bổ sung tài liệu tại phiên toà, Kiểm sát viên đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung (có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm; định giá lại tài sản không đúng quy định).

Thứ hai, về kinh nghiệm xét hỏi tại phiên toà: Đối với Kiểm sát viên, thì việc tiến hành xét hỏi tại phiên tòa vừa là phương thức thực hiện quyền công tố, vừa là trách nhiệm của cơ quan chứng minh, kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ một cách công khai để bảo vệ Cáo trạng,  đồng thời góp phần cùng Hội đồng xét xử làm rõ sự thật của vụ án. Chất lượng xét xử vụ án cao hay thấp, phiên tòa có đảm bảo tính dân chủ, công bằng hay không, vai trò của Hội đồng xét xử nói chung và của Kiểm sát viên nói riêng có được phát huy hay không phụ thuộc rất lớn vào phương pháp, nội dung và năng lực xét hỏi của các thành viên Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên. Muốn thực hiện việc xét hỏi tốt, Kiểm sát viên phải thật sự bình tĩnh, linh hoạt khi xử lý các vấn đề phát sinh; cách thức xét hỏi cần quan tâm nhiều đến ngữ điệu, phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, ôn tồn, lịch sự, mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, sắc bén. Thái độ chuẩn mực của Kiểm sát viên sẽ tạo cho phiên tòa không khí dân chủ, cởi mở, khơi dậy thái độ ăn năn, hối cải khai đúng sự thật của bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp những người được xét hỏi khai ra tình tiết mới hoặc thay đổi, phủ nhận lời khai trước đây, thì Kiểm sát viên không được chủ quan, vội vàng bác bỏ ngay hoặc quát tháo, gay gắt, áp đảo người trình bày. Kiểm sát viên phải bình tĩnh, tiếp tục xét hỏi để kiểm tra lại nội dung người được xét hỏi, nếu những tình tiết, nội dung mới là có căn cứ thì chấp nhận, nếu không có căn cứ thì bác bỏ. Kiểm sát viên tuyệt đối không được đặt câu hỏi xúc phạm đến những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên có thể gặp các tình huống khai không chính xác, không đúng sự thật, trong các trường hợp này Kiểm sát viên cần dùng các chứng cứ khác để chứng minh, bác bỏ lời khai không chính xác, không đúng sự thật đó. Khi Kiểm sát viên xét hỏi, mà những người tham gia tố tụng khai là không nghe, không biết, không hiểu… thì Kiểm sát viên không được nổi nóng, sẽ tạo ra không khí căng thẳng không đáng có tại phiên tòa. Phương pháp xét hỏi của Kiểm sát viên: đặt câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu; đặt câu hỏi dạng yêu cầu tường thuật (hỏi thứ tự hành vi diễn ra); đặt câu hỏi gợi mở (câu hỏi gợi mở này làm cho người được hỏi tập trung nhớ lại những sự việc đã xảy ra trước đây); câu hỏi phản bác việc khai báo không đúng sự thật (có thể đặt câu hỏi đối với nhiều người khác nhau, để dùng nội dung trả lời của người này bác bỏ nội dung khai báo không đúng sự thật của người kia).

Thứ 3, về kinh nghiệm tranh luận đối đáp: Thái độ tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên phải thể hiện như phần xét hỏi, một kinh nghiệm trong phần đối đáp của Kiểm sát viên là: trước khi thực hiện phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát sẽ có phần nhận xét về diễn biến phiên tòa, thái độ của nhưng người tham gia tố tụng nhất là các luật sư và bị cáo, về việc điều khiển phiên tòa của Hội đồng xét xử... Trong phần này sẽ chú trọng đánh giá, ghi nhận các ý kiến có căn cứ của các luật sư, bị cáo, người tham gia tố tụng, đồng thời cũng chấn chỉnh kịp thời các phát ngôn làm ảnh hưởng đến Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Đây là sự khẳng định vị trí, vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa và cũng thể hiện sự ghi nhận của đại diện Viện kiểm sát đối với các quan điểm bào chữa của luật sư, trình bày của bị cáo. Đối với các ý kiến trùng lặp thì Kiểm sát viên phải tổng hợp để đối đáp một lần. Trước khi đối đáp nên nhắc lại các nội dung chính của từng người tham gia tố tụng (thể hiện sự tôn trọng, thẳng thắn, không né tránh trong việc tranh luận. Khi bác bỏ các quan điểm không phù hợp phải viện dẫn chứng cứ chứng minh. Đối với những ý kiến đúng của Luật sư, người bào chữa thì Kiểm sát viên cần chấp nhận, thể hiện sự khách quan, công minh của Viện kiểm sát.

Giai đoạn kiểm sát bản án, quyết định.

Trong giai đoạn này, nếu Kiểm sát viên thực hiện tốt nội dung  của các giai đoạn trên thì Kiểm sát viên đã chủ động và nắm chắc nội dung tình tiết vụ án  nên khi quan điểm của Viện kiểm sát và Toà án không thống nhất về áp dụng pháp luật và đường lối xử lý vụ án, Kiểm sát viên có thể đề xuất ngay lãnh đạo đơn vị ban hành kháng nghị, kiến nghị.

Trên đây là một số kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự cùng đưa ra trao đổi với các đồng chí, đồng nghiệp mong nhận được phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng chí.

Nguyễn Thị Vân Anh-Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 364

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5337408