Thông tin tuyên truyền
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã báo cáo kết quả công tác của ngành Kiểm sát Thái Bình năm 2023 và phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
12/8/2023 9:52:12 AMTại Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã báo cáo kết quả công tác của ngành Kiểm sát Thái Bình năm 2023 và phát biểu tại Kỳ họp về “Tình hình vi phạm, tội phạm năm 2023 và kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự”.

Tình hình tội phạm tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp

Năm 2023, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm từng bước được nhận diện và phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Đáng lưu ý, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm ma túy...diễn biến ngày càng phức tạp, phạm tội trên nhiều địa bàn và tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm cho xã hội. Trước tình hình đó, ngành Kiểm sát Thái Bình đã có nhiều nỗ lực, thực hiện các giải pháp để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 1.268 vụ án (tăng 15% so với năm 2022 vụ)

Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự: Năm 2023, các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật tăng so với năm 2022 (tăng 7% so với năm 2022), phần lớn là các tranh chấp về hôn nhân gia đình (chiếm 84%), một số vụ án có tính chất phức tạp, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng tín dụng có thế chấp...Án hành chính giảm 90% so với năm 2022. Các khởi kiện hành chính chủ yếu là khởi kiện quyết định hành chính liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Dự báo năm 2024, tội phạm tiếp tục gia tăng trong đó dự báo tăng nhiều là các tội Cố ý gây thương tích, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm về ma túy, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức. Thủ đoạn, tính chất sẽ tinh vi, phức tạp hơn, với quy mô lớn thực hiện trên nhiều địa bàn.

Thực hiện vượt các chỉ tiêu của Ngành, Quốc hội giao

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn do tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự tăng và diễn biến phức tạp, biên chế của ngành thiếu; song ngành Kiểm sát Thái Bình tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trước hết là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Viện kiểm sát hai cấp nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, công tác quản lý chỉ đạo, điều hành; chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; các chỉ tiêu quan trọng cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu của Ngành, Quốc hội giao.

Một là, kiểm sát việc giải quyết và yêu cầu kiểm tra, xác minh 100% nguồn tin, đều đạt tỷ lệ 100%; trực tiếp kiểm sát 53,8% Công an cấp xã về tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm. Kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 1.229 bản yêu cầu điều tra (đạt 97% số vụ mới, vượt chỉ tiêu 7%). Truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10% chỉ tiêu Quốc hội giao) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 100% (vượt 5% chỉ tiêu của Quốc hội giao); không có trường hợp nào phải rút quyết định truy tố, đình chỉ do không phạm tội, Tòa án xử khác tội danh truy tố. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được chấp nhận đạt tỷ lệ 90% (vượt 20% chỉ tiêu Quốc hội giao).

Hai là, tăng cường phối hợp với Công an, Tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất các vụ án Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, chủ động, tích cực yêu cầu, phối hợp với các cơ quan liên quan để thu hồi hơn 7 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, chức vụ.

Ba là, tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương trong hoạt động tư pháp. Toàn ngành kiểm sát giải quyết 2.987 vụ, 390 việc về dân sự, hôn nhân gia đình và án hành chính, 252 việc áp dụng các biện pháp hành chính tại Tòa án. Qua kiểm sát, đã ban hành 10 kháng nghị phúc thẩm, được chấp nhận đạt 90% (vượt 20% chỉ tiêu Quốc hội giao).

Bốn là, Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Thái Bình đã ban hành 250 kiến nghị vi phạm trong hoạt động tư pháp; 36 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực. Tất cả kiến nghị của Viện kiểm sát được tiếp thu, khắc phục, đạt 100% (vượt 20% chỉ tiêu Quốc hội giao).

Năm là, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 24/11/2023 về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; Viện kiểm sát cấp huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các chỉ thị về phòng chống vi phạm, tội phạm, tăng cường quản lý nhà nước và công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp tổ chức 8 phiên tòa giả định xét xử về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự góp phần làm tốt công tác tuyển quân năm 2023.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành Kiểm sát Thái Bình

Phát biểu tại kỳ họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2024, ngành Kiểm sát Thái Bình tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và chỉ đạo, yêu cầu của VKSND tối cao; đặc biệt là Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống oan, sai bỏ lọt tội phạm, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự. Kiểm sát viên phải đề cao trách nhiệm; chủ động hơn, sâu sát hơn, toàn diện hơn trong kiểm sát quá trình giải quyết án, từ xác minh nguồn tin về tội phạm đến khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; định kỳ 15 ngày nghe báo cáo tiến độ, kết quả xác minh, điều tra các vụ án, vụ việc.

Thứ hai: Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo nghiệp vụ, phân công Kiểm sát viên có năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm, bản lĩnh để thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo; tăng cường yêu cầu áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt; chú trọng tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm.

Thứ ba: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra; xử lý nghiêm vi phạm, tiêu cực của cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình giải quyết án hình sự như: Xây dựng sơ đồ tư duy vụ án; số hóa tài liệu, hồ sơ vụ án; lưu trữ điện tử; trong thu thập, đánh giá chứng cứ; tổ chức các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm....

Thứ tư: Phối hợp chặt chẽ với các tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc; xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp liên ngành; định kỳ tổ chức giao ban liên ngành để trao đổi, nắm bắt thông tin, công việc và bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án, vụ việc.

Thảo luận tổ lấy ý kiến tín nhiệm cán bộ

Một số kiến nghị

Tại kỳ họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh một số nội dung sau:

- Qua công tác kiểm sát thấy một số tội phạm có xu hướng tăng cao sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy... Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát và chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; chủ động, tích cực phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm; quan tâm, chú trọng thực hiện các kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực mà Viện kiểm sát đã kiến nghị.

- Hiện nay cử tri rất quan tâm đối với tình trạng lừa đảo qua mạng, thực tế cho thấy một xã hội phát triển thì việc tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên đi kèm theo đó là các hệ lụy. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng phải tăng cường, thường xuyên cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để giúp người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng. Đồng thời đề nghị nhân dân cũng cần tự mình học hỏi, nâng cao hiểu biết để sàng lọc thông tin, chọn cách tiếp cận, sử dụng an toàn, tránh bị lừa đảo.

- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh lợi dụng việc khiếu nại tố cáo của nhân dân mặc dù đã được cơ quan, người có thẩm quyền và Tòa án tiếp xúc, đối thoại, giải quyết, xét xử theo đúng quy định của pháp luật; song một số đối tượng đã tài trợ, đóng góp, móc nối, lôi kéo người dân tiếp tục tụ tập đông người đi khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và chống người thi hành công vụ. Đề nghị cử tri và nhân dân cần nhận diện, cảnh giác với động cơ, mục đích của các đối tượng này để không bị lợi dụng vi phạm pháp luật; đề nghị các cơ quan chức năng cần củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm minh về hình sự các đối tượng cố tình vi phạm, phạm tội để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Văn phòng tổng hợp

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1888

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5841638