Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị ngang cấp trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự
12/19/2023 7:39:27 AMThông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn bà Mai Thị Đ4, sinh năm 1954 và đồng bị đơn bà Bùi Thị Nh sinh năm 1954, anh Mai Đình Đ3 sinh năm 1979 cùng địa chỉ: thôn Đông, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng bị sửa án do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng; cụ thể như sau:

1. Nội dung vụ án

Cụ Mai Đình Đ (chết năm 1993) và cụ Văn Thị B (chết năm 2013) có 6 người con chung: ông Mai Hồng L (đã chết năm 2007 có vợ là Nguyễn Thị Đ5, chết năm 2020 và 04 con chung là: anh Mai Hồng L1, anh Mai Hồng M, chị Mai Thị Hồng L2, chị Mai Thị LA – bị mắc bệnh tâm thần); Ông Mai Đình Đ1 (liệt sỹ hy sinh năm 1972, không có vợ con); Ông Mai Đình N (đã chết năm 2004 có vợ là Bùi Thị Nh và 03 con chung: chị Mai Thị V; anh Mai Đình Đ2, anh Mai Đình Đ3); Ông Mai Đình Kh; Bà Mai Thị Đ4 và bà Bà Mai Thị D. Ngoài ra các cụ không có con nuôi, con riêng.

Cụ Đ và cụ B chết không để lại di chúc, để lại di sản là thửa đất số 683, tờ bản đồ 02, bản đồ 299, diện tích 271 m2, loại đất ONT. Đo đạc năm 2007 là thửa đất số 413 diện tích 193,6m2 (tên cụ B) và thửa đất số 417 diện tích 118,2m2 (mang tên bà Đ4) tờ bản đồ 07 Thôn Đ, xã ĐS, huyện ĐH. Đo đạc hiện trạng tổng diện tích 02 thửa là 340,5 m2, trừ diện tích ngõ đi chung thì diện tích còn lại là 320,3 m2. Trên đất có 01 ngôi nhà cấp 4, diện tích 47m2 cụ B được Nhà nước hỗ trợ xây dựng mới năm 2006 do nhà cũ của hai cụ đã xuống cấp không sử dụng được (thời điểm này cụ Đ đã chết). Năm 2022, ông Kh, anh Đ2, anh Đ3 tự góp tiền để sửa chữa ngôi nhà này thành nhà thờ chi phí hết 30.000.000 đồng, ngôi nhà này định giá 42.211.588 đồng. Ngoài ra trên đất còn có 01 nhà cấp 4 của chị Mai Thị LA diện tích 14,5 m2, trị giá 13.022.724 đồng.

Nguyên đơn là bà Đ4 yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Đ và cụ B là thửa đất số 413, tờ bản đồ 7 diện tích 193,6m2 đo đạc năm 2007 và tài sản trên đất. Bà cho rằng 2 cụ chỉ còn tài sản này vì: trước đây bố mẹ bà có thửa đất 683 tờ bản đồ 02 bản đồ 299 diện tích 271 m2 nhưng đến năm 1991 bố mẹ bà đã làm thủ tục tách cho bà một phần đất khoảng 120 m2 (thửa 417 tờ bản đồ 7) nằm trong thửa đất này.

Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trừ bà D) không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và có yêu cầu xác định cả thửa đất 417 tờ bản đồ 7 đo đạc năm 2007 mang tên bà Đ4 là di sản thừa kế của cụ Đ, cụ B.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Mai Thị LA yêu cầu chia di sản bằng hiện vật cho chị LA để đảm bảo chỗ ở.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Xác định di sản của cụ Đ và cụ B để lại gồm thửa đất số 683, tờ bản đồ 02, bản đồ 299, diện tích 271 m2, loại đất ONT. Đo đạc hiện trang là 02 thửa số 413, 417 có tổng diện tích là 340,5 m2, trừ diện tích ngõ đi chung thì diện tích còn 320,3 mlà di sản thừa kế là và 01 nhà cấp 4 trị giá 12.211.588 đồng.

Chấp nhận việc bà Nh, anh Đ2, anh Đ3, chị V, anh L1, anh M, chị L2 thống nhất giao cho ông Mai Đình Kh là người quản lý di sản là được sử dụng 192,2 m2 đất ở và các tài sản trên đất (có sơ đồ kèm theo).

Giao cho bà Đ4 được quyền quản lý, sử dụng diện tích 128,1 m2 đất ở và các tài sản gắn liền với đất (có sơ đồ kèm theo).

Buộc ông Kh phải thanh toán giá trị di sản là đất ở và nhà cấp 4 cho chị LA là 7.016.579 đồng, thanh toán giá trị ngôi nhà cấp 4 cho bà Đ4 và bà Dinh mỗi người số tiền 2.442.317 đồng.

Buộc bà Đ4 phải thanh toán giá trị tài sản cho bà Dinh số tiền 25.624.000 đồng.

Ngoài ra còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, quyền yêu cầu thi hành án, thỏa thuận thi hành án và quyền kháng cáo.

Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng đã kháng nghị do bản án sơ thẩm có vi phạm.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Tòa án nhân dân huyện  đã xác định đúng quan hệ tranh chấp cần giải quyết, xác định đúng những người tham gia tố tụng... tuy nhiên Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2023/DS-ST ngày 05/6/2023 của Toà án nhân dân huyện có một số vi phạm như sau:

- Định giá sai giá trị di sản: Tại biên bản định giá tài sản ngày 13/01/2023 của Hội đồng định giá, tính giá đất bằng khung giá nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định của UBND tỉnh TB ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022. Cụ thể hệ số điều chỉnh là 1,2. Tuy nhiên bản án khi xác định giá trị di sản chỉ nhân với giá đất mà không nhân với hệ số điều chỉnh của Hội đồng định giá đã làm giảm giá trị di sản, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đương sự.

- Xác định thiếu di sản thừa kế: Đối với ngôi nhà cấp 4 cụ B xây năm 2006, đến năm 2013 cụ B chết nhà này vẫn để làm nhà thờ. Năm 2022, ông Kha, anh Đ2, anh Đ3 đóng góp 30.000.000 đồng để sửa sang lại nhưng cả 3 người đều không yêu cầu phải trả lại, không có ý kiến gì về khoản tiền này. Như vậy là ông Kh, anh anh Đ2, anh Đ3 đã tự nguyện nhập vào di sản thừa kế. Qua định giá ngôi nhà có giá trị 42.211.588 đồng.  Như vậy phải tính di sản là nhà cấp 4 có giá trị là 42.211.588. Bản án trừ 30.000.000 đồng là công sửa chữa của ông Kh, anh Đ2, anh Đ3 để xác định giá trị nhà chỉ còn 12.211.288 đồng là chưa chính xác, gây ảnh hưởng đến kỷ phần thừa kế của từng người.

- Cách chia di sản thừa kế chưa đúng do xác định thời điểm mở thừa kế chưa phù hợp:

Cụ Mai Đình Đ mất năm 1993, thời điểm này cụ B và ông L, ông N chưa chết. Di sản của cụ Đ lúc này là ½ số tài sản chung với cụ B tức là 320,3 m2 : 2 = 160,015m2 đất được chia thành 6 suất thừa kế: cụ B, thừa kế của ông L (là bà Đ5 và 4 người con là L1, M, L2, LA), thừa kế của ông N (là bà Nh là vợ cùng 03 con là V, Đ2, Đ3), ông Kh, bà Đ4 và bà D.

Khi cụ B chết năm 2013, lúc này ông N và ông L chết trước cụ B thì phần di sản mà cụ B lúc này là 160,015 m2 + 01 suất thừa kế của cụ Đ + nhà cấp 4 xây năm 2006 được chia làm 5 suất thừa kế: ông Kh, bà Đ4, bà D, thế vị của ông L (là 4 người con là L1, Môn, L2, LA), thế vị của ông N (là 03 con là V, Đ2, Đ3).

Như vậy thời điểm mở thừa kế và hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đ và cụ B là khác nhau, nên khi chia di sản thừa kế phải mở thừa kế của cụ Đ trước, chia di sản thừa kế của cụ Đ cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đ, sau đó mới mở thừa kế của cụ B và chia di sản thừa kế của cụ B cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ B. Tuy nhiên Toà án nhập di sản thừa kế của 2 cụ rồi chia đều cho vợ và các con ông L, ông N ở cùng thời điểm thừa kế là xác định sai người được hưởng thừa kế, sai di sản thừa kế của hai cụ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được hưởng thế vị của ông L và ông N.

- Chia di sản bằng giá trị cho chị LA chưa đảm bảo: Chị LA là người sống cùng cụ Đ, cụ B tại thửa đất của hai cụ, chị là người bị bệnh tâm thần được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được các đương sự xây 01 nhà riêng diện tích 14,5m2 giáp với nhà thờ. Bản thân chị đã ở ổn định tại ngôi nhà này và không đủ năng lực để xây dựng nơi ở khác nên nhu cầu được hưởng di sản bằng hiện vật là rất lớn. Xét thấy di sản của cụ Đ và cụ B có thể chia bằng hiện vật thành 03 thửa (đều có lối đi và khuôn viên riêng phù hợp). Ngôi nhà của chị LA ngoài việc đi cùng ngõ đi với nhà thờ chung còn giáp đường giao thông khác nên việc giao đất cho chị LA thuận lợi và cần thiết. Tuy nhiên bản án không giao di sản bằng hiện vật cho chị LA là không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chị LA. Bản án sơ thẩm tuyên giao phần đất có nhà riêng của chị LA cho ông Kh nhưng không tuyên ai có nghĩa vụ trả tiền là giá trị ngôi nhà chị LA đang ở trị giá 13.022.000 đồng xâm phạm đến quyền lợi của chị LA.

          Bản án phúc thẩm đã xét xử chấp nhận kháng nghị và sửa những nội dung vi phạm nêu trên, chia di sản bằng hiện vật cho chị LA để đảm bảo chỗ ở cho người yếu thế và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác.

Trương Huyền – P9

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 166

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5885688