Tin nghiệp vụ
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự
2/28/2024 3:01:58 PMThông qua công tác kiểm sát các Bản án dân sự sơ thẩm về Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam với hộ gia đình vay vốn. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát hiện Tòa án nhân huyện Q có vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án, cụ thể như sau:

1. Vi phạm về nội dung

Bản án số 20/2023/DS-ST ngày 25/9/2023, giải quyết yêu cầu Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng và hộ gia đình vay vốn bà Trịnh Thị L. Thời điểm ký hợp đồng vay vốn, trong hộ gia đình bà L có thành viên trên 18 tuổi là ông Nguyễn Đức A đồng thời có thành viên chưa đủ 18 tuổi là anh Nguyễn Bảo Ng và chị Nguyễn Bảo A. Hồ sơ vay vốn có văn bản ủy quyền của người trên 18 tuổi là ông A cho bà L, trong thời gian thực hiện hợp đồng, anh Ng đủ 18 tuổi, hồ sơ vay vốn không bổ sung văn bản ủy quyền vay vốn của anh Ng. Các đương sự vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bị đơn là ông A, bà L cùng những người có liên quan trong hộ gia đình bà Linh phải cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bản án số 20/2023/DS-ST ngày 25/9/2023 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc tất cả các thành viên đủ 18 tuổi của hộ gia đình (bà L, ông A và anh Ng) có nghĩa vụ trả nợ.

Việc Bản án số 20/2023/DS-ST ngày 25/9/2023 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc anh Ng là thành viên đủ 18 tuổi nhưng không có văn bản ủy quyền trong hợp đồng vay vốn cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ là không đúng quy định của pháp luật, vi phạm Điều 101 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 101. Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân

1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

Như vậy, trong vụ án này chỉ có bà L và ông A cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ mới đúng quy định của pháp luật.

2. Vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự

Bản án số 20/2023/DS-ST ngày 25/9/2023 thể hiện quan điểm của bị đơn bà Trịnh Thị L qua lời khai ngày 17/8/2023. Hồ sơ vụ án thể hiện việc lấy lời khai  ngày 17/8/2023 của bà L được Tòa án thực hiện thông qua mạng xã hội zalo có người chứng kiến. Việc lấy lời khai như trên của Tòa án là đảm bảo đúng quy định tại Điều 93, khoản 2,5 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc ghi lời khai trên Tòa án không gửi biên bản ghi lời khai cho bà L để bà L xem lại, thống nhất nội dung khai và ký vào biên bản là vi phạm trong việc thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97, 98 Bộ luật tố tụng dân sự.

Khoản 2 Điều 98 bộ luật tố tụng dân sự quy định về việc lấy lời khai đương sự như sau: “2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và đóng dấu của Tòa án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Tòa án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản”.

3. Vi phạm trong việc áp dụng căn cứ pháp luật

Bản án số 22/2023/DS-ST ngày 25/9/2023 giải quyết yêu cầu Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng và hộ gia đình vay vốn ông Phạm Đ Q. Thời điểm ký hợp đồng vay vốn, trong hộ gia đình có thành viên trên 18 tuổi là chị Phạm Thị Th và có thành viên chưa đủ 18 tuổi là chị Phạm Thị Th1. Hồ sơ vay vốn không có văn bản ủy quyền của người trên 18 tuổi là chị Th cho ông Q. Trong thời gian thực hiện hợp đồng,chị Th1 đủ 18 tuổi, hồ sơ vay vốn không bổ sung văn bản ủy quyền vay vốn của chị Th1. Các đương sự vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông Q, chị Th, chị Th1  phải cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Bản án số 22/2023/DS-ST ngày 25/9/2023 nhận định thủ tục hồ sơ vay vốn không đầy đủ, không có văn bản ủy quyền các thành viên trong hộ gia đình ủy quyền vay nên xác định trách nhiệm trả nợ thuộc về cá nhân người xác lập hợp đồng (ông Q) và tuyên buộc ông Q phải có trách nhiệm trả toàn bộ số nợ là đúng quy định tại Điều 101 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên trước đó tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng xác định một mình ông Q có nghĩa vụ trả nợ, chị Thg, chị Th1 không liên quan đến khoản vay nên không có trách nhiệm trả nợ nên chỉ yêu cầu ông Q phải có nghĩa vụ trả nợ, không yêu cầu chị Th, chị Th1 cùng thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ông Q. Như vậy, Ngân hàng chỉ thay đổi chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong yêu cầu khởi kiện của mình, còn nội dung nghĩa vụ trả nợ không thay đổi. Tuy nhiên, bản án lại nhận định đây là việc Ngân hàng là rút một phần yêu cầu khởi kiện và áp dụng khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự tuyên đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của ngân hàng về việc buộc chị Th, chị Th1 phải có trách nhiệm liên đới cùng ông Q trả nợ Ngân hàng là không đúng. Việc bản án tuyên như trên là có sự chồng chéo và mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật vì hậu quả của việc đình chỉ giải quyết yêu cầu do rút đơn khởi kiện là đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án trong khi thực tế chỉ có một khoản nợ đã được giải quyết xong khi tuyên buộc một cá nhân có nghĩa vụ trả nợ.

Hai vụ án nêu trên đều do Tòa án nhân dân huyện Q xét xử trong cùng một ngày, nhưng có sự áp dụng pháp luật không thống nhất; có thiếu sót, vi phạm. Xét thấy những người bị khởi kiện trong hai vụ án trên đều là thành viên trong hộ gia đình, sau xét xử sơ thẩm các đương sự không có kháng cáo; do vậy những vi phạm nêu trên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, không cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm.

Vì vậy Viện KSND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kiến nghị đối với Chánh án Tòa án nhân dân huyện yêu cầu khắc phục vi phạm và rút kinh nghiệm.

Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự đã góp phần đảm bảo việc chấp hành pháp luật được nghiêm chỉnh, thống nhất, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm tính đúng đắn trong hoạt động xét xử của cơ quan Tòa án./.

 

Nguyễn Thị Minh Hồng - Phòng 9

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 370

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5338004