Tin nghiệp vụ
Rút kinh nghiệm đối với việc giải quyết vụ án Kinh doanh thương mại
4/10/2024 7:40:01 AMThông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án Kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng A với bị đơn là Công ty cổ phần vận tải biển HM, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm, thông báo để các đơn vị nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung.

1. Nội dung vụ án

Ngày 17/9/2007, Ngân hàng A (gọi tắt là ngân hàng) ký Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 11/2007/HĐTD với Công ty cổ phần vận tải biển HM (gọi tắt là Công ty). Theo hợp đồng, ngân hàng cho Công ty vay số tiền vay tối đa là: 12.500.000.000 đồng (Mười hai tỷ năm trăm triệu đồng). Mục đích sử dụng tiền vay: Đầu tư đóng mới 01 tàu biển vỏ thép chở hàng khô cấp III hạn chế trọng tải 2.000 tấn để kinh doanh vận tải theo đúng dự án đầu tư được duyệt và các quy định hiện hành. Thời hạn cho vay: 07 năm (84 tháng) kể từ khi nhận khoản vay đầu tiên đến khi hoàn trả hết nợ vay (gốc và lãi vay). Thời hạn ân hạn: 01 năm (12 tháng). Thời hạn trả nợ gốc: 06 năm (72 tháng). Lãi suất nợ trong hạn: 8,4% năm. Lãi suất phạt quá hạn (tính trên nợ gốc và lãi chậm trả): bằng 150% lãi vay trong hạn

 

Toàn cảnh phiên toà xét xử phúc thẩm

Thực hiện Hợp đồng tín dụng đã ký kết, ngân hàng đã giải ngân vốn vay theo đề nghị của Công ty với tổng số tiền là 12.233.627.300 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng từ tháng 01/2009. Ngân hàng đã nhiều lần tạo điều kiện và thông báo về việc trả nợ cho Công ty nhưng công ty không thực hiện được. Do đó, ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty trả cho ngân hàng toàn bộ nợ (gốc, lãi) tạm tính đến thời điểm ngày 17/7/2023 là: 17.647.734.122 đồng, trong đó: nợ gốc: 426.419.339 đồng, lãi phải trả: 17.221.314.783 đồng (trong đó: lãi trên nợ gốc trong hạn là 5.263.127.150 đồng, lãi trên nợ gốc quá hạn là 3.948.390.469 đồng và lãi phạt trên tiền lãi chậm trả là 8.009.797.164 đồng) và yêu cầu xử lý các tài sản thế chấp.

2. Quá trình giải quyết của Tòa án

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ngân hàng về nợ gốc, lãi trong hạn và lãi quá hạn, không chấp nhận yêu cầu đối với lãi phạt trên lãi chậm trả với lý do tại thời điểm ký kết Hợp đồng số 11/2007/HĐTD ngày 17/9/2007 pháp luật không cho phép bên cho vay phạt lãi đối với khoản lãi chậm trả. Ngoài ra bản án còn tuyên về việc xử lý tài sản đảm bảo, các chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

3.1.Về việc áp dụng quy định về tính lãi phạt

Điều 4 của Hợp đồng vay vốn tín dụng số 11/2007/HĐTD ngày 17/9/2007 ký kết giữa ngân hàng và Công ty có nội dung thỏa thuận về lãi suất như sau: “1. Lãi suất nợ trong hạn: 8,4%/năm. 2. Lãi suất phạt quá hạn (tính trên nợ gốc và lãi chậm trả): bằng 150% lãi vay trong hạn. Tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng trên, Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định về khoản lãi trên lãi chậm trả lãi đối với hợp đồng vay. Tại văn bản số 1334/NHNN-CSTT ngày 22/02/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc phạt chậm trả đối với trường hợp nợ quá hạn như sau: “Các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất nợ quá hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001, theo đó mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ quá hạn do tổ chức tín dụng áp dụng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay”.  Ngoài ra không có quy định nào cho phép phạt lãi nhiều lần (lãi chồng lãi) về cùng một vi phạm trong hợp đồng về tín dụng. Do vậy, thỏa thuận của các bên về việc tính lãi trên lãi chậm trả tại khoản 2 Điều 4 Hợp đồng tín dụng số 11/2007/HĐTD ngày 17/9/2007 là trái quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết.

Tuy nhiên, sau đó giữa Ngân hàng và Công ty đã ký kết một loạt các hợp đồng điều chỉnh khác, gồm: Hợp đồng điều chỉnh vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 11A/2008/HĐTDĐT-ĐC-NHPT ngày 30/12/2008 điều chỉnh bổ sung kỳ hạn trả lãi, gia hạn trả lãi tháng 12/2008 thành 3 lần trả trong qúy 1 năm 2009; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 11B/2009/HĐTD-SĐ ngày 30/12/2009 điều chỉnh mức trả nợ của trả nợ gốc; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vay vốn TDĐT của Nhà nước số 11C/2010/HĐTD-SĐ ngày 30/9/2010, nội dung gia hạn nợ và điều chỉnh mức trả nợ gốc; Hợp đồng tín dụng đầu tư sửa đổi, bổ sung số 11D/2012/HĐTDĐT-SĐ-NHPT ngày 29/6/2012: Điều chỉnh thời hạn cho vay; Điều chỉnh mức trả nợ gốc; Hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung số 11E/2015/HĐTDĐT-SĐ-NHPT-TBI ngày 23/12/2015. Nội dung chính: Xóa lãi phạt tính trên lãi chậm trả đến ngày 31/12/2013 với số tiền được xóa là: 68.150.925 đồng; Hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung số 11F/2019/HĐTDĐT-NHPT ngày 21/5/2019 thỏa thuận Tòa án giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận về lãi suất vẫn được các bên giữ nguyên, không bị sửa đổi, bổ sung, thay thế ở bất cứ hợp đồng nào. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 2 của Hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung số 11F/2019/HĐTDĐT-NHPT ngày 21/5/2019 có nội dung thỏa thuận: “Ngoại trừ các điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Hợp đồng này, các điều khoản khác của Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 11/2007/HĐTD ngày 17/9/2007; Hợp đồng điều chỉnh vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước số 11A/2008/HĐTĐT-ĐC-NHPT ngày 30/12/2008; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước số 11B/2009/HĐTD - SĐ ngày 30/12/2009; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước số 11C/2010/HĐTD - SĐ ngày 30/9/2010; Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước số 11D/2012/HĐTD - SĐ - NHPT ngày 29/6/2012;  Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước số 11E/2015/HĐTD - SĐ - NHPT - TBI ngày 23/12/2015 đã ký kết giữa bên A và bên B là không thay đổi và vẫn giữ nguyên giá trị hiệu lực”. Như vậy, với nội dung điều khoản này, Công ty vẫn chấp nhận chịu khoản lãi tính trên lãi chậm trả theo thỏa thuận tại Điều 4 của Hợp đồng vay vốn tín dụng số 11/2007/HĐTD ngày 17/9/2007. Xét thấy, tại thời điểm các bên ký kết Hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung số 11F/2019/HĐTDĐT-NHPT ngày 21/5/2019 quy định của pháp luật đã có sự thay đổi. Cụ thể là, theo các quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm; Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của thống đốc Ngân hàng Việt Nam đã cho phép bên cho vay được tính lãi đối với khoản tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào nội dung Hợp đồng vay vốn tín dụng số 11/2007/HĐTD ngày 17/9/2007 để xác định thỏa thuận về việc tính lãi trên lãi chậm trả là không đúng pháp luật, trên cơ sở đó không chấp yêu cầu của ngân hàng buộc Công ty phải trả khoản lãi này là chưa xem xét đầy đủ nội dung các hợp đồng đã ký kết giữa hai bên dẫn áp dụng pháp luật chưa đúng ở từng thời kỳ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phía ngân hàng. Trường hợp này, ngân hàng có quyền yêu cầu Công ty chịu lãi 10%/ năm đối với khoản tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung số 11F/2019/HĐTDĐT-NHPT, là ngày 21/5/2019.

3.2. Về việc xác định nghĩa vụ chịu án phí

Bản án sơ thẩm đã nhận định chấp nhận toàn bộ khoản tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo yêu cầu của ngân hàng là 3.948.390.469 đồng, trừ  đi số tiền lãi phạt mà Công ty đã nộp trước đó là 1.011.264.827 đồng, nên còn phải chịu tiếp 2.937.125.642 đồng. Tuy nhiên, tại mục 1.4 phần quyết định của bản án lại tuyên “Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng  về việc buộc Công ty phải trả khoản tiền lãi trên nợ gốc quá hạn là 1.011.264.827 đồng” là mâu thuẫn với phần nhận định. Xét thấy, việc Tòa án sơ thẩm đối trừ số tiền Công ty đã nộp lãi phạt trước đó vào khoản lãi chậm trả không đồng nghĩa với việc ngân hàng không được chấp nhận yêu cầu đòi lãi trên nợ gốc quá hạn đối với số tiền đã đối trừ này. Điều này cũng dẫn đến việc tính nghĩa vụ chịu án phí của ngân hàng đối với phần yêu cầu không được chấp nhận bị sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phía nguyên đơn.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với khoản lãi phạt và xác định lại nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự ./.

Vũ Thị Kim Dung - Phòng 9

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 172

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5337819