Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp
5/9/2024 3:53:27 PMKiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 4, Điều 6 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Thực hiện công tác này nhằm đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Trong thời gian qua, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình quan tâm chỉ đạo thực hiện và xác định là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng thường xuyên của Ngành, do vậy chất lượng công tác đã được từng bước nâng lên. 100% đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh được xử lý, phân loại, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp, đơn vị Thanh tra – khiếu tố, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị cấp huyện, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm để khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm trong quá trình xử lý, giải quyết đơn. Qua đó, công tác phân loại, xử lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát cấp huyện đã có nhiều chuyển biến, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy chế của Ngành.
Tuy nhiên qua công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nhận thấy còn nhiều hạn chế trong cả quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng, như sau:
- Việc áp dụng đạo luật, văn bản hướng dẫn: Quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân (cùng cấp là 7 ngày, cấp trên là 15 ngày) tại Điều 475 BLTTHS 2015 là quá ngắn, đặc biệt đối với những vụ việc phức tạp, cần phải thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ gây khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm các vụ, việc nên không chủ động được thời hạn giải quyết, dễ dẫn đến việc giải quyết kéo dài, vi phạm về thời hạn giải quyết.
- Các đạo luật về tư pháp: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có nhiều quy định mới về thẩm quyền, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp, nhưng văn bản hướng dẫn chậm sửa đổi, bổ sung, nên việc phân loại, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ở một số đơn vị nghiệp vụ, VKSND cấp huyện còn lúng túng trong việc phân loại đơn, xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết có trường hợp chưa chính xác, khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trong kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
- Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính năm 2015 chỉ quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, không quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2, do vậy không có căn cứ xác định Tòa án vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại.
Trong thực tiễn thực hiện các biện pháp kiểm sát: Theo điểm a khoản 3 Điều 17 Quy chế số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định được áp dụng tất cả các biện pháp kiểm sát trong lĩnh vực tố tụng hình sự và thi hành án hình sự, trong đó có biện pháp trực tiếp kiểm sát. Trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án dân sự thì được áp dụng ba biện pháp kiểm sát. Do vậy, Viện kiểm sát chỉ có thể trực tiếp kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, Tòa án về lĩnh vực hình sự, thi hành án hình sự. Do vậy, việc kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Viện kiểm sát chưa được chặt chẽ và toàn diện.
-Đối với vấn đề hiệu lực của quyết định giải quyết và hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo, cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tại Điều 475 và tố cáo tại Điều 481 Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo đó, đối với khiếu nại trong tố tụng hình sự thì Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, chưa phải là Quyết định có hiệu lực pháp luật và phải hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo cho công dân đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; Đối với tố cáo trong tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định giải quyết tố cáo một lần duy nhất tại Điều 481, không có tố cáo lần hai, do đó mọi Quyết định giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự của cơ quan điều tra đều là Quyết định có hiệu lực pháp luật.
Một số hình ảnh tiếp công dân của đơn vị:
Một số đề xuất và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp:
- Thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
- Đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương phối hợp có hướng dẫn cụ thể công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại các Điều 475 và 481 của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong từng lĩnh vực cụ thể; báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần hoàn thiện quy định những vấn đề pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa quy định, gắn với việc ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật về công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Nghiên cứu, đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn nữa các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiến hành đồng thời công cuộc cải cách hành chính, cải cách bộ máy nhà nước; trước hết phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước. Hoàn thiện các quy định về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảm bảo cho các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước rõ ràng, minh bạch, hạn chế những sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.
- Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016. Tuy vậy, Quy chế số 222 còn có những nội dung chưa phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, Viện kiểm sát trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng cần từng bước đổi mới phương thức kiểm sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác kiểm sát không chỉ tập trung vào kiểm sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan tư pháp các cấp, mà còn cần phải chú ý nhiều đến vấn đề yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Lê Hồng Điệp - Thanh tra-khiếu tố