Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành
7/11/2024 6:58:30 AMQuyền khởi kiện vụ án dân sự là một trong những quyền được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận để bảo đảm các tranh chấp dân sự được giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật, bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, nếu đương sự thực hiện việc khởi kiện chậm trễ thì hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự cũng như của Toà án sẽ trở lên khó khăn, phức tạp, nhiều chứng cứ quan trọng qua thời gian dài không còn khả năng thu thập được nữa khiến cho việc giải quyết tranh chấp của Toà án bị ảnh hưởng lớn, thậm chí do không thu thập được các chứng cứ quan trọng nên Toà án có thể đánh giá sai bản chất vụ việc, từ đó đưa ra phán quyết không chính xác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Vì vậy, bên cạnh quyền khởi kiện vụ án dân sự, pháp luật còn quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, nếu hết thời hiệu khởi kiện thì đương sự không còn quyền khởi kiện vụ án dân sự và không thể đưa vụ án ra Toà án để giải quyết. Đây là quy định nhằm tạo ra giới hạn thời gian mang tính bắt buộc để các đương sự thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng dân sự, góp phần bảo đảm rằng các tranh chấp sẽ không có điều kiện kéo dài với phạm vi thời gian không xác định, qua đó góp phần tăng cường việc thực thi công lý cũng như hiệu quả giải quyết các tranh chấp dân sự của Toà án.

Tuy nhiên qua nghiên cứu cũng như thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự cho thấy các quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành vẫn còn có những vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập, dẫn đến việc thiếu thống nhất về mặt nhận thức, khó khăn trong quá trình vận dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự, đồng thời chưa thực sự phát huy được mục đích, ý nghĩa mà quy định pháp luật hướng tới. Cụ thể là:

          - Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự, Toà án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu nếu có đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp đưa ra trước thời điểm Toà án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Tuy nhiên, với trình độ hiểu biết pháp luật của người dân như hiện nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thì đương sự không thể biết pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu khởi kiện đối với từng loại quan hệ tranh chấp là bao lâu để thực hiện quyền yêu cầu Toà án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trong khi đó, pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào bắt buộc Thẩm phán khi được phân công thụ lý, giải quyết vụ án dân sự phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu. Do đó, trong thực tiễn các Thẩm phán hầu như không giải thích, hướng dẫn cho các đương sự về quy định này để họ thực hiện. Phần lớn các vụ án dân sự hiện nay đều không đặt ra vấn đề xem xét về thời hiệu khởi kiện do không có đương sự nào yêu cầu, dẫn đến quy định trên không phát huy được hiệu quả thi hành trong thực tiễn, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các đương sự trong vụ án dân sự.

          - Thứ hai: Quy định tại khoản 2 Điều 149 và khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự còn có sự mâu thuẫn và làm vô hiệu hoá lẫn nhau. Bởi lẽ: Theo quy định tại khoản 3, Điều 150 Bộ luật Dân sự thì "thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện". Theo nội dung quy định trên, có thể hiểu việc nộp đơn khởi kiện là để thực hiện quyền khởi kiện trong một thời gian cụ thể mà luật cho phép. Nếu đương sự không thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn đó thì họ mất quyền này. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu đương sự không nộp đơn khởi kiện trong thời hạn luật cho phép thì người đó mất quyền khởi kiện và mất luôn tư cách "người khởi kiện" (nguyên đơn), dẫn đến không có bất kỳ tư cách nào để nộp đơn khởi kiện. Và khi chủ thể khởi kiện không còn quyền khởi kiện thì Toà án cũng không có căn cứ, cơ sở nào để thụ lý đơn khởi kiện của người đó. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc hết thời hiệu khởi kiện lại không phải là một trong những căn cứ để Toà án trả lại đơn khởi kiện. Do đó, trong thực tiễn khi tiếp nhận đơn khởi kiện của đương sự, mặc dù xác định thời hiệu khởi kiện đã hết thì Toà án vẫn phải thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết chứ không được trả lại đơn khởi kiện. Việc cho phép người bị mất quyền khởi kiện vẫn được nộp đơn khởi kiện và Toà án vẫn thụ lý đơn khởi kiện như nêu trên vô hình chung làm cho quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự trở lên vô nghĩa. Mặt khác, khi thời hiệu khởi kiện đã hết, tư cách của "người khởi kiện" (nguyên đơn) không còn thì cũng không có căn cứ để tiếp tục xác định một người là "người bị kiện" (bị đơn). Và khi đó, việc trao quyền cho người không còn được coi là người bị kiện (bị đơn) được đề nghị áp dụng hoặc từ chối áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện như quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự lại trở lên mâu thuẫn và không có cơ sở.

          Description: z5619893475488_3a17be1b1332600bb9286975d85b021e.jpg

 

- Thứ ba: Điều 149 Bộ luật Dân sự quy định: Một bên hoặc các bên trong vụ án dân sự có quyền yêu cầu Toà án xem xét việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Như vậy, khái niệm một bên hoặc các bên ở đây có thể được hiểu là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án hoặc tất các cả đương sự trên có quyền yêu cầu Toà án xem xét áp dụng thời khởi kiện. Tuy nhiên, việc quy định nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền yêu cầu xem xét thời hiệu khởi kiện là không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, khi nộp đơn yêu cầu khởi kiện hoặc đưa ra yêu cầu độc lập, cả hai chủ thể trên đều mong muốn vụ án sẽ được Toà án thụ lý, giải quyết cho dù thời hiệu khởi kiện của vụ án còn hay đã hết. Trường hợp quá trình giải quyết vụ án, nếu vì lý do nào đó, các chủ thể này muốn Toà án dừng lại việc xem xét yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập của họ thì họ chỉ cần rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu độc lập mà không cần thiết phải sử dụng đến quyền yêu cầu Toà án xem xét về thời hiệu khởi kiện.  

          Mặt khác, cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự thì "người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ". Từ thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự cho thấy: Nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập luôn mong muốn Toà án thụ lý vụ án để giải quyết yêu cầu của họ. Do đó, nếu Toà án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án để đình chỉ việc giải quyết vụ án thì mục đích của họ trong vụ án dân sự không đạt được, đồng nghĩa với việc họ không được hưởng lợi gì từ việc Toà án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Như vậy, chủ thể được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thường chỉ có bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn. Trong khi đó, bản thân những chủ thể này không hề có mong muốn bị khởi kiện ra Toà án, cũng không có nhu cầu đề nghị Toà án giải quyết việc tranh chấp giữa họ với các đương sự khác nên đương nhiên việc Toà án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án có lợi cho họ nên họ sẽ không từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện. Bên cạnh đó, khi vụ án đang trong quá trình giải quyết và Toà án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng thì chưa thể đủ cơ sở để nhận định ai là người phải thực hiện nghĩa vụ, do đó việc xác định đương sự từ chối việc áp dụng thời hiệu có nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ hay không là rất khó khăn, dẫn đến việc thực hiện quy định này hầu như không có giá trị trong thực tiễn giải quyết án dân sự.

          Trên đây là một số vướng mắc, bất cập trong nhận thức và áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật. Thiết nghĩ, trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần có sự hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong nhận thức và áp dụng khi giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự./.

                                                            Đoàn Thị Sớm - VKSND huyện Tiền Hải

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1122

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5804460