Tin nghiệp vụ
Buôn bán hàng hóa giả nhãn mác: Xử tội nào cho đúng?
11/14/2024 8:17:54 AMTrong những năm gần đây, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong thời gian qua, trên toàn quốc phát hiện và khởi tố, xử lý nhiều vụ án mà đối tượng đã làm, buôn bán hàng hóa giả hoặc nhãn hiệu hàng hóa giả. Tuy nhiên việc áp dụng quy định tại Điều luật nào để xác định tội danh đối với các trường hợp này, trên thực tế cũng còn quan điểm trái chiều, cần thiết phải có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền. Chúng ta cùng xem xét ví dụ dưới đây để làm rõ vấn đề tác giả trao đổi:

Đầu tháng 8/2023, Đào Văn D mua của người không biết tên, tuổi, địa chỉ trên mạng xã hội Facebook khoảng 900 đôi giầy các loại có gắn nhãn hiệu giả mạo của NIKE, MLB, CONVERSE và khoảng 100 chiếc mũ, túi các loại có gắn nhãn hiệu giả mạo của MLB bán tại cửa hàng “Anh Duy Store”, ở tổ dân phố B, thị trấn D, huyện T, tỉnh TB. Hồi 08 giờ 30 phút ngày 23/01/2024, Công an huyện T phối hợp Đội Quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng “Anh Duy Store”, phát hiện thu giữ 435 đôi giầy gắn nhãn hiệu giả “NIKE”, 312 đôi giầy gắn nhãn hiệu giả “MLB”, 66 đôi giầy gắn nhãn hiệu giả “CONVERSE”, 77 chiếc túi xách gắn nhãn hiệu giả “MLB”, 10 chiếc mũ gắn nhãn hiệu giả “MLB”, là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Major League Baseball Properties, Inc; Nike Innovate c.v và ALL STAR C.V...... Tại bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH071-24TC.TP/KLGĐ ngày 23/02/2024 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học Công nghệ kết luận đối với các sản phẩm gửi giám định là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Tổng tài sản hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giá trị 255.000.000 đồng.

Quá trình giải quyết đối với vụ án nêu trên, có 2 quan điểm về tội danh:

Quan điểm thứ nhất: Cần phải xử lý Đào Văn D về tội “ Buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự vì bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH071-24TC.TP/KLGĐ ngày 23/02/2024 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ khoa học Công nghệ kết luận đối với các sản phẩm gửi giám định là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Về quy định pháp luật, tại điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2000/NĐ-CP ngày 26/8/2020 giải thích “Hàng giả” gồm: Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. Do đó việc Đào Trọng D kinh doanh các mặt hàng giả nhãn mác được coi là buôn bán hàng giả, và phải bị xử lý về tội Buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ hai: D phạm tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vì tại khoản 1, Điều 226 Bộ luật Hình sự. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mô tả hành vi khách quan và khách thể xâm phạm của tội này như sau: “1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại …”

Khoản 1,  Điều 192 Bộ luật Hình sự. “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” mô tả như sau: “1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính….”Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là đối tượng của “Tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Mặt khác, đối với những vụ án này, các Công ty được bảo hộ thường không cung cấp cấp mẫu vật và các bản công bố chất lượng, đặc tính kỹ thuật cơ bản, định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa được bảo hộ tại Việt Nam nên không có căn cứ xác định được tính năng kỹ thuật, công dụng của hàng hóa thật (không cung cấp thông tin của sản phẩm chính hãng để so sánh). Từ đó cũng không có căn cứ xác định giá trị tương đương của hàng thật bị vi phạm. Do đó Đào Trọng D bị xử lý “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” mới đúng quy định.

Trong trường hợp trên, tác giả đồng ý quan điểm thứ hai khi lập luận đã bám sát quy định của Bộ luật Hình sự, mô tả về đối tượng xử lý của từng tội danh (đối với Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; đối với Tội buôn bán hàng giả là Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng.) Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp không đưa ra được các mẫu hàng thật hoặc hàng có cùng tính năng, tác dụng làm cơ sở so sánh giữa hàng thật – hàng thu giữ, từ đó không có cơ sở để kết luận có phải là hàng giả hay không – là yêu cầu thiết yếu trong xử lý vụ án về hàng giả. Mặt khác, trong trường hợp còn chưa rõ ràng về quy định pháp luật, nên áp dụng điều luật có hình phạt nhẹ hơn để xử lý đối với người thực hiện hành vi phạm tội./.

Bùi Thảo-  Phòng 1 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 628

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5724607