NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN NĂM 2024 KIỂM SÁT VIÊN CẦN LƯU Ý ÁP DỤNG TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT
4/1/2025 7:00:42 AMLuật Tư pháp người chưa thành niên 2024 (Luật) được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024, công bố ngày 02/12/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Việc ban hành Luật là một bước tiến mới trong công tác phòng, chống tội phạm ở người chưa thành niên, khắc phục được một số bất cập hiện tại về hệ thống hình phạt, quy chế thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên, đồng thời thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Một số điểm mới của Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024, Kiểm sát viên cần lưu ý để áp dụng trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án hình sự và kiểm sát thi hành án hình sự, cụ thể như sau:
1. Áp dụng các quy định có lợi đối với người chưa thành niên phạm tội từ thời điểm Luật được công bố (ngày 02/12/2024).
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2, khoản 5 và khoản 6 Điều 179 của Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 thì quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người chưa thành niên phạm tội trong Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 được áp dụng kể từ ngày Luật được công bố (ngày 02/12/2024). Như vậy những điểm mới, có lợi cho người chưa thành niên phạm tội sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 02/12/2024.
2. Thủ tục tố tụng đối với vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
- Luật quy định 2 thủ tục tố tụng riêng biệt đối với người chưa thành niên: (1) Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội. (2). Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
- Tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập: Tại khoản 1 Điều 143 Luật tư pháp người chưa thành niên quy định trong vụ án hình sự có bị can là người chưa thành niên và người thành niên thì Cơ quan điều tra tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với bị can là người chưa thành niên.
- Luật rút ngắn thời hạn tố tụng trong giải quyết các vụ án người chưa thành niên phạm tội: Luật quy định thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội không quá ½ thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp thì thời hạn này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
- Quy định thủ tục xét xử thân thiện: Luật quy định phòng xử án thân thiện, thủ tục xét xử thân thiện. Trong đó, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án; Kiểm sát viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Kiểm sát nhân dân. Khi xét xử không còng tay hoặc áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế khác, trừ trường hợp người chưa thành niên có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa hoặc hành động tiêu cực khác.
3. Quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng.
Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng (bao gồm 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng), cụ thể gồm: (1). Khiển trách; (2). Xin lỗi bị hại; (3). Bồi thường thiệt hại; (4). Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (5). Quản thúc tại gia đình; (6). Hạn chế khung giờ đi lại; (7). Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; (8). Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; (9). Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; (10). Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; (11). Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; (12). Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Luật quy định chặt chẽ về các điều kiện, thẩm quyền áp dụng; trách nhiệm của người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ để bảo đảm các quy định này vừa có tính nhân văn, vừa có tính răn đe, bảo đảm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
4. Đổi mới đổi mới biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội.
Luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; Tạm giữ, tạm giam; Giám sát điện tử; Giám sát bởi người đại diện; Bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm; Cấm đi khỏi nơi cư trú; Tạm hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định 03 biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: Áp giải, dẫn giải; Kê biên tài sản; Phong tỏa tài khoản.
5. Hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.
Luật Tư pháp người chưa thành niên đã bãi bỏ chương XII (những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) của Bộ luật hình sự năm 2015, đặc biệt Luật quy định: Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: (1) Cảnh cáo; (2) Phạt tiền; (3) Cải tạo không giam giữ; (4) Tù có thời hạn.
- Đối với hình phạt Cảnh cáo: được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý, phạm tội ít nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
- Về Phạt tiền: được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Luật đã quy định điểm mới, đó là: Mức tiền phạt đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật của Bộ luật Hình sự quy định.
- Đặc biệt về hình phạt tù có thời hạn, Luật quy định nhiều điểm mới có lợi cho người phạm tội vị thành niên, cụ thể: quy định giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, từ 12 năm xuống 09 năm tù; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, từ 18 năm xuống 15 năm tù, trừ trường hợp phạm 05 loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy.
- Việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, quy định theo hướng giảm nhẹ cho người vị thành niên phạm tội chưa đạt, cụ thể: Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại các điều 117, 118 và 119 của Luật. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần hai mức hình phạt quy định tại các điều 117, 118 và 119 của Luật.
- Đối với án treo, đây là quy định mới trong Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội, Bộ Luật hình sự năm 2015 không cụ thể hóa, quy định chế định án treo đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó Luật quy định: Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người chưa thành niên phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 03 năm (giảm 2 năm so với Bộ luật Hình sự năm 2015) và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
- Về hoãn chấp hành hình phạt tù: Người chưa thành niên bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp sau đây: Các trường hợp có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự; Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt tù đã đăng ký và đủ điều kiện tham gia hoặc đang tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi người đó học tập xác nhận thì có thể được hoãn cho đến khi thực hiện xong kỳ thi.
- Về xóa án tích: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 03 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 06 tháng trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 01 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm (giảm rất nhiều so với quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015)
6. Quy định khu cải tạo dành riêng cho người chưa thành niên:
Luật quy định người chưa thành niên chấp hành án phạt tù được giam theo 03 mô hình: trại giam riêng; phân trại riêng dành cho người chưa thành niên trong trại giam; khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam.
Đồng thời quy định điều kiện cơ sở vật chất, chế độ chăm sóc y tế, học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động; chế độ ăn mặc, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí; chế độ gặp, liên lạc với thân nhân của người chưa thành niên là phạm nhân đảm bảo họ có điều kiện cải tạo tốt nhất, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Trong công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án hình sự, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện đối với những điểm mới, có lợi đối với người chưa thành niên phạm tội trong Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đặc biệt, phải vận dụng, áp dụng thời hiệu thi hành trở về trước để áp dụng ngay từ ngày 02/12/2024 những quy định mới, có lợi cho người chưa thành niên phạm tội như về hình phạt, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, án treo, thi hành án, xóa án tích…. để đảm bảo thi hành đúng Luật, bảo đảm quyền lợi cũng như ý nghĩa giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội./.
Vũ Thị Thanh - Phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình