Tin nghiệp vụ
Quý I năm 2017, Phòng 7 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình làm tốt công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự theo Chỉ thị 08/CT - VKSTC về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự
3/21/2017 1:19:51 PMNgay sau khi Chỉ thị số 08/CT – VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự ban hành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 08 và triển khai nghiêm túc ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình. Kế hoạch đã nêu rõ:

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tăng cường chỉ đạo công tác kiểm sát  bản  án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử để kháng nghị theo thẩm quyền hoặc  báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị; kiên quyết kháng nghị nếu phát hiện có vi phạm và bảo vệ các kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật

Thực hiện nghiêm túc quy định trên, trong quý 1 năm 2017, Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành 2 kháng nghị trên cấp; hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ban  hành  2 kháng nghị ngang cấp. Kết quả đều được Tòa án nhân dân tỉnh chấp nhận kháng nghị.  Điển hình là vụ án “ Cướp giật tài sản” như sau:

Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016,  Trần Văn Cường, sinh năm 1989, nơi cư trú: số nhà 47/269, đường Giải Phóng, tổ 24, phường Trường Thi, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã sử dụng xe mô tô Yamaha - Sirius, sơn màu đen - trắng, đeo biển số 35M7 - 3750 thực hiện 06 vụ cướp giật dây chuyền vàng của những người phụ nữ đi xe mô tô ở địa bàn trung tâm thành phố Thái Bình với tổng giá trị tài sản là 56.874.000 đồng.

 Ngoài những hành vi cướp giật dây chuyền nêu trên, Trần Văn Cường còn khai nhận: cũng trong khoảng thời gian trên, Trần Văn Cường sử dụng xe mô tô trên thực hiện 06 vụ cướp giật dây chuyền vàng khác ở địa bàn trung tâm thành phố Thái Bình chiếm đoạt được 4 sợi dây chuyền vàng các loại, sau đó, Cường đã bán 4 sợi dây chuyền này lấy tổng số tiền 10.200.000 đồng chi tiêu cá nhân hết. Tuy nhiên, quá trình điều tra không xác định được người bị hại cũng như không thu hồi được vật chứng nên không có cơ sở kết luận.

Bản án hình sự sơ thẩm tuyên bố bị cáo Trần Văn Cường phạm tội “ Cướp giật tài sản”. Áp dụng điểm c, d, g khoản 2 Điều 136, điểm g khoản 1 Điều 48, điểm o, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Trần Văn Cường 05 năm 06 tháng tù.

Qua nghiên cứu bản án sơ thẩm, Phòng 7 nhận thấy: Hành vi của bị cáo Cường là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tài sản và nhân thân của người bị hại; quá trình thực hiện tội phạm đều sử dụng mô tô là phương tiện nguy hiểm cướp giật tài sản của người đang điều khiển xe mô tô tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của họ, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Các lần bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đều vào ban ngày, lúc đông người thể hiện sự táo bạo, coi thường pháp luật.  Bản thân bị cáo đã có 1 tiền án bị xử phạt 7 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” nhưng bị cáo đã không lấy đó làm bài học để cải tạo bản thân, nay lại tiếp tục phạm tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng nên thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Trong suốt quá trình điều tra đến khi xét xử sơ thẩm bị cáo không tác động gia đình bồi thường cho các bị hại thể hiện bị cáo không có ý thức khắc phục hậu quả đã gây ra. Ngoài 6 lần cướp giật bị Cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo còn khai nhận đã cướp giật 6 vụ khác trên địa bàn thành phố Thái Bình; song do quá trình điều tra không xác định được người bị hại, nên tuy không bị xử lý hình sự nhưng thể hiện tính chất, mức độ rất nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo. Khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm nhưng cấp sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo 5 năm 6 tháng tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo; không có tác dụng trong việc giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống đối với loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng trong tình hình hiện nay. Do đó Phòng 7 đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về phần hình phạt theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Văn Cường, xử phạt bị cáo từ 7 đến 8 năm tù.

Cùng với vụ án nói trên, cũng trong quý 1, Phòng 7 đã tham mưu kháng nghị đối với bị cáo Lê Cao Cường phạm tội “ Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự, cấp sơ thẩm tuyên bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Nhận thấy cấp sơ thẩm đã không đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, cho bị cáo hưởng án treo là quá nhẹ nên kháng nghị về phần biện pháp chấp hành hình phạt, không cho bị cáo Cường hưởng án treo.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ do pháp luật quy định, ngoài chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, Phòng 7 còn quan tâm việc hướng dẫn công tác xét xử án hình sự và hướng dẫn kháng nghị đối với Viện kiểm sát cấp huyện. Phòng 7 đã hướng dẫn hai Viện kiểm sát nhân dân huyện kháng nghị ngang cấp đối với hai bản án sơ thẩm, trong đó 1 bản án kháng nghị theo hướng tăng hình phạt và 1 bản án kháng nghị theo hướng không buộc bị cáo là người chưa thành niên phạm tội phải chấp hành hành hình phạt tù có thời hạn. Bên cạnh hướng dẫn cấp huyện về nội dung như căn cứ kháng nghị phải chính xác, phân tích lập luận rõ những vi phạm của bản án, quyết định hình sự sơ thẩm, đề xuất hướng giải quyết, Phòng 7 đặc biệt lưu ý các đơn vị kháng nghị phúc thẩm phải đảm bảo chặt chẽ về hình thức, thủ tục, thời hạn theo đúng quy định của pháp luật.

Cả 4 kháng nghị do Viện kiểm sát cấp tỉnh và cấp huyện ban hành trong quý 1 năm 2017 đều được Tòa án nhân dân tỉnh xét xử chấp nhận, trong đó 2 vụ tăng hình phạt đối với bị cáo; 01 vụ chuyển biện pháp chấp hành hình phạt tù từ giam sang phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với người chưa thành niên phạm tội và 01 vụ không cho bị cáo hưởng án treo. Kết quả này đã thể hiện việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, đặc biệt là việc thực hiện quyền kháng nghị theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự và Chỉ thị 08/CT – VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự. Trong các quý tiếp theo năm 2017 và trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, thành tích đã đạt được trong công tác kiểm sát nói chung và công tác kháng nghị nói riêng nhằm thực hiện Chỉ thị 08 với kết quả cao nhất.

                                                                              Bùi Thị Thảo-  Phòng 7 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1342

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5879379