Chuyển đổi số
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong hoạt động của ngành 6 tháng đầu năm 2025
4/25/2025 10:29:29 AMNăm 2025, ngành Kiểm sát Thái Bình tiếp tục xác định “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác” là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có những chỉ đạo, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, ý nghĩa, yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số, đảm bảo an toàn an ninh mạng trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể:

(1) Thực hiện Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ ngày 10/4/2024 của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 05/KH-VKSTC ngày 10/01/2025 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 08/KH-VKSTB ngày 15/01/2025 về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2025 của ngành Kiểm sát Thái Bình, trong đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đột phá chuyển đổi số của ngành; Ban hành Hướng dẫn số 15/HD-VKSTB ngày 15/01/2025 để hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện và xây dựng chương trình công tác chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng năm 2025 của đơn vị với các nhiệm vụ, chỉ tiêu, ấn định thời gian hoàn thành cụ thể.

(2) Bên cạnh đó, để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm đột phá năm 2025, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-VKSTB ngày 14/01/2025 phát động, tổ chức phong trào thi đua chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Thái Bình góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, tạo động lực cho các tập thể, cá nhân hai cấp kiểm sát tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện.

(3) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và Quyết định kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chuyển đổi số ở Viện kiểm sát hai cấp.

 (4) Tổ chức cho toàn thể cán bộ công chức Viện kiểm sát hai cấp học tập trực tuyến toàn quốc về quán triệt triển khai Nghị Quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị về đột phát phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia; tích cực tổ chức các Hội nghị tập huấn các nội dung về chuyển đổi số 3 hội nghị tập huấn (cấp tỉnh 2, cấp huyện 1) hướng dẫn sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và Phần mềm Phòng họp không giấy của ngành.

(5) Chỉ đạo, tổ chức cho hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham dự đầy đủ các cuộc họp của của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức để cập nhật, nắm bắt kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chuyển đổi số để triển khai thực hiện ở Viện kiểm sát hai cấp, từ đó nâng cao nhận thức trong cán bộ công chức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, thay đổi tư duy, nắm bắt xu hướng công nghệ, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình để rút ngắn thời gian lao động, nâng cao hiệu quả công việc.

(6) Triển khai đến cán bộ công chức Viện kiểm sát hai cấp việc học tập nghiên cứu kỹ năng an toàn số, an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số, kỹ năng số trên nền tảng học trực tuyến OneTouch.

(7) Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyển đổi số.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2025, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở hầu hết các lĩnh vực công tác, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng luôn được chú trọng, trong công tác nghiệp vụ, đã đạt được một số kết quả:

1. Về công tác chuyển đổi số

- Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành

+ 100% văn bản hành chính không mật của Viện kiểm sát hai cấp được trao đổi trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng.

+ 100% cán bộ công chức Viện kiểm sát hai cấp đã được cấp mã định danh điện tử cá nhân; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cập nhật đúng, đủ, chính xác kịp thời và bảo đảm tính xác thực dữ liệu, hồ sơ cá nhân cán bộ công chức vào cơ sở hồ sơ dữ liệu nhân sự của ngành và cập nhật đầy đủ dữ liệu cán bộ công chức vào Phần mềm thống kê của Bộ nội vụ để thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức.

+ Thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ, tự đánh giá, báo cáo kết quả Bộ chỉ số chuyển đổi số năm 2024 ngành Kiểm sát Thái Bình trên môi trường số.

+ Viện kiểm sát hai cấp đều sử dụng nền tảng quản lý tài chính kế toán trên môi trường số.

+ Viện kiểm sát hai cấp đã triển khai thực hiện cổng dữ liệu ngành Kiểm sát nhân dân, thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thống kê vào các biểu mẫu theo chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ

Viện kiểm sát hai cấp đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác chuyên môn nghiệp vụ như tăng cường báo cáo án bằng sơ đồ tư duy: đã thực hiện báo cáo 324 vụ (hình sự 277 vụ, dân sự 47 vụ); tích cực phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến: 6 phiên; tích cực phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội: 29 phiên; tổ chức, chủ trì nhiều Hội nghị trực tuyến hai cấp: 40 phiên; Xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết, tập huấn bằng video clip, nhiều sáng kiến về công nghệ thông tin được Hội đồng khoa học Viện kiểm sát nhân dân tỉnh công nhận.

Về kết quả các hoạt động chuyển đổi số:

- Kết quả hoạt động nền tảng quản lý văn bản: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện và tổ chức 01 buổi tập huấn hướng dẫn sử dụng đối với Viện kiểm sát hai cấp, đến nay đã thực hiện phát hành được gần 200 văn bản hành chính không mật trên phần mềm quản lý văn bản.

- Kết quả liên thông văn bản: Viện kiểm sát tỉnh đã triển khai thực hiện gửi nhận liên thông văn bản điện tử tới Viện kiểm sát hai cấp và có văn bản thông báo mã định danh điện tử của Viện kiểm sát hai cấp Thái Bình đến các sở, ban, ngành, các cơ quan trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản văn bản Quốc gia. Đến nay Viện kiểm sát tỉnh đã thực hiện gửi liên thông nhiều văn bản đến Tỉnh ủy Thái Bình.

- Kết quả hoạt động chữ ký số: có gần 200 văn bản được ký số (đạt 100%).

- Kết quả hoạt động chỉ đạo điều hành: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đã sử dụng hệ thống thư công vụ ngành Kiểm sát nhân dân để gửi, nhận 100% văn bản hành chính không mật giữa Viện kiểm sát hai cấp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Kết quả hoạt động công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ: có 376 hồ sơ được số hóa (hình sự 284, dân sự 92).

- Kết quả hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Đảng: 100% các chi bộ Viện kiểm sát nhân dân hai cấp duy trì thực hiện có nền nếp việc sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng trên nền tảng “Sổ tay đảng viên điện tử Thái Bình”; các đảng viên tích cực nghiên cứu, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng trên phần mềm. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hiện 2 buổi học tập nghị quyết trực tuyến toàn tỉnh, toàn quốc với điểm cầu chính của Tỉnh ủy Thái Bình.

- Kết quả hoạt động ứng dụng phòng họp không giấy: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện Phòng họp không giấy ngành Kiểm sát nhân dân, đã tạo tài khoản cho 91 cán bộ, công chức Viện kiểm sát hai cấp sử dụng, bước đầu đã thực hiện được 5 cuộc họp.

- Kết quả hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mới trong hoạt động chỉ đạo, chuyên môn nghiệp vụ: Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình đã sử dụng phần mềm đọc văn bản để chuyển văn bản thành giọng nói để xây dựng báo cáo bằng clip; sử dụng phần mềm Gamma để tạo slide trình chiếu, thuyết trình tại các hội nghị hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ của ngành.

- Ứng dụng Trợ lý ảo: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện ứng dụng Trợ lý ảo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Viện kiểm sát hai cấp Thái Bình đã được cấp 201 tài khoản cho lãnh đạo, kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên Viện kiểm sát hai cấp sử dụng.

- Kết quả hoạt động ứng dụng phần mềm quản lý công tác khác: Ngoài các phần mềm quản lý dùng chung do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp để triển khai thực hiện trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình hiện đang sử dụng một số phần mềm quản lý do tỉnh triển khai thực hiện để phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương như:

+ Hệ thống Mạng Văn phòng điện tử liên thông tỉnh Thái Bình dùng để trao đổi thông tin với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.

+ Phần mềm Hệ thống báo cáo tỉnh Thái Bình dùng để báo cáo thống kê chỉ tiêu địa phương thuộc trách nhiệm ngành Kiểm sát Thái Bình thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

+ Phần mềm Bảo hiểm xã hội, phần mềm quản lý thuế.

2. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đang xây dựng hồ sơ đề nghị phê duyệt an toàn hệ thống thông tin cấp độ 2 đối với hệ thống thông tin của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

- Viện kiểm sát hai cấp thực hiện cài đặt phần mềm diệt virus có bản quyền cho tất cả các máy tính trong hệ thống mạng LAN của đơn vị. Bố trí máy tính riêng không kết nối mạng để soạn thảo văn bản, tài liệu mật.

- Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm túc việc cài đặt phần mềm bảo mật đường truyền số liệu, bảo mật cổng dữ liệu ngành, bật chức năng mã hoá cuộc họp các hội nghị trực tuyến của ngành, thực hiện bật chức năng tường lửa đối với tất cả các máy tính trong hệ thống mạng LAN; Đối với mạng không dây (WIFI) được cài đặt mật khẩu với độ bảo mật cao, định kỳ và thường xuyên thay đổi mật khẩu và không để tính năng tự động kết nối.

- Thực hiện thiết lập chính sách bảo mật, tối ưu hóa cho các thiết bị công nghệ và máy tính như: Cài đặt mật khẩu cho từng máy tính, gỡ bỏ các chương trình không cần thiết; các phần mềm ứng dụng, hệ điều hành thường xuyên được nâng cấp và cập nhật phiên bản mới nhất; loại bỏ, không sử dụng phiên bản hệ điều hành đã lỗi thời không được nhà sản xuất hỗ trợ kỹ thuật.

- Quán triệt thực hiện nghiêm túc việc cài đặt mật khẩu mạnh đối với các tài khoản thư công vụ, tài khoản sử dụng các phần mềm quản lý của ngành để tránh bị truy cập trái phép và đánh cắp dữ liệu, lưu ý bảo mật thông tin cá nhân. Việc trao đổi thông tin qua hộp thư công vụ, qua phần mềm quản lý văn bản phải là những tài liệu không mật, những tài liệu mật được thực hiện gửi qua đường công văn hoặc qua Fax, bảo đảm an toàn thông tin theo đúng quy định; quán triệt cán bộ, công chức không truy cập các trang Web không liên quan đến công việc, những trang web nội dung không lành mạnh…để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trong ngành.

Để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng năm 2025, thời gian tới Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành đã xây dựng, triển khai. Thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người lao động. Quan tâm bố trí và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin của cơ quan, đơn vị để phục vụ tốt việc ứng dụng chuyển đổi số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong công tác nghiệp vụ và công tác khác, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay./.

VĂN PHÒNG TỔNG HỢP

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 232

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 6321235