Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ
11/4/2015 4:44:36 PMVừa qua các Phòng nghiệp vụ -Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, thông qua việc Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, cũng như theo dõi lĩnh vực phụ trách, đã ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp huyện; Trang tin điện tử xin trích nội dung thông báo của Phòng 2, Phòng 7 để các cán bộ, Kiểm sát viên, đơn vị trong ngành nghiên cứu, vận dụng nhằm thực hiện tốt yêu cầu “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.
1.Về việc quản lý tình hình tố giác tin báo tội phạm và tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn:
Trong thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã khởi tố nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng phức tạp về các tội Giết người, tàng trữ vũ khí quân dụng, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, chống người thi hành công vụ, vv xảy ra trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải,..Qua điều tra các bị can khai nhận thực hiện nhiều hành vi tội phạm ở các xã thuộc huyện Thái Thụy và Tiền Hải, nhưng Công an xã, huyện, Viện kiểm sát huyện chưa nắm được đầy đủ tình hình tội phạm xảy ra, chưa kịp thời có biện pháp phối hợp để đấu tranh ngăn chặn. Do đó tình hình an ninh trật tự ở hai huyện trên có chiều hướng phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh phải tập trung lực lượng hỗ trợ giải quyết. Điển hình những vụ việc như sau:
Vụ Vũ Ngọc Minh sinh năm 1998, trú tại xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy cùng đồng phạm trong thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 05/2015 đã gây ra 15 vụ trộm cắp tài sản ở xã Thái Đô và Mỹ Lộc, tài sản trộm cắp là máy tính xách tay, điện thoại di động, xe máy, xe đạp, tổng trị giá trên 80 triệu đồng.
Vụ Tạ Đức Việt sinh năm 1990, trú tại xã Thái An huyện Thái Thụy cùng đồng phạm liên tục trong thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2015 đã gây ra 11 vụ trộm cắp tài sản ở các xã Thụy Phong huyện Thái Thụy; các xã Đông Phong, Nam Thanh, Đông Xuyên huyện Tiền Hải; các xã Vũ Qúy, thị trấn Thanh Nê huyện Kiến Xương; các phường Đề Thám, Hoàng Diệu thành phố Thái Bình. Tài sản trộm cắp là tiền, vàng trong két sắt, máy tính xách tay, điện thoại di động, quần áo, tivi, xe máy, máy ảnh, tổng trị giá khoảng trên 300 triệu đồng.
Vụ Lê Thành Kiên sinh năm 1985, trú tại xã Thái Xuyên huyện Thái Thụy trong thời gian từ tháng 12/2014 đến tháng 05/2015 đã gây ra 14 vụ trộm cắp tài sản ở các xã Thái Dương, Thái Giang, Thái Hưng, Thái Xuyên huyện Thái Thụy; xã Đông á huyện Đông Hưng; xã Đông Mỹ, phường Tiền Phong thành phố Thái Bình. Tài sản trộm cắp là tiền, vàng, máy tính xách tay, điện thoại di động, máy cưa, đồ điện, mỹ phẩm, loa thùng, tổng trị giá khoảng trên 200 triệu đồng.
Vụ Tô Quốc Huy sinh năm 1991, trú tại xã Tây Lương huyện Tiền Hải có hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 28/8/2015. Công an thị trấn Tiền Hải đã báo tin cho Cơ quan điều tra Công an huyện Tiền Hải nhưng Cơ quan điều tra Công an huyện Tiền Hải đã không thực hiện đúng trình tự tiếp nhận, phân loại xử lý giải quyết tin báo. Ngày 15/9/2015, Cơ quan điều tra Công an tỉnh và Viện kiểm sát tỉnh phải trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can để giải quyết theo pháp luật qui định.
2. Việc lựa chọn, giải quyết án trọng điểm: Thực hiện kế hoạch kiểm sát đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm giảm thiểu cả 3 chỉ số, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng đã phối hợp với các cơ quan cùng cấp lựa chọn xác định vụ án Nguyễn Duy Tuyển sinh năm 1991 trú tại thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự làm án trọng điểm là phù hợp. Tuy nhiên đã không lường trước các vấn đề liên quan đến vụ án, cho nên khi xử lý giải quyết vụ án, đường lối xét xử còn chưa hợp lý, chưa phù hợp đối với loại án trọng điểm dẫn đến còn hạn chế trong công tác tuyên truyền đối với các vụ án tai nạn giao thông.
3. Về việc áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn: Ngày 30/4/2015, Công an huyện Đông Hưng bắt quả tang vụ án Đánh bạc xảy ra tại xã Đông La, huyện Đông Hưng sau đó đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Trong vụ án có 3 bị can là Bùi Công Châu sinh năm 1977, Bùi Văn Viết sinh năm 1977, Nguyễn Hữu Hiệp sinh năm 1977 đều trú tại xã Đông La, huyện Đông Hưng có nhân xấu, các bị can đều có tiền án về tội Đánh bạc, phạm tội trong thời gian thử thách. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng đã phê chuẩn gia hạn tạm giữ lần 2, sau đó áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đến khi xét xử Viện kiểm sát đề nghị mức án tù giam và Hội đồng xét xừ đã xử phạt tù giam. Như vậy việc thay đổi biện pháp ngăn chặn không chính xác, chưa thực hiện đúng quy định.
4. Về việc khám nghiệm hiện trường, quản lý thu giữ vật chứng.
- Vụ án thứ nhất: Do giữa bà Phạm Thị Loan, sinh năm 1961 (là mẹ đẻ bị cáo Phạm Ngọc Nguyện) và bà Bùi Thị Loan sinh năm 1971, ở cùng thôn Đông Khánh, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương có, mâu thuẫn trong việc làm đường thôn. Sáng ngày 21/01/2015 hai người đã xảy ra xô xát đánh nhau. Đến khoảng 14h 30 cùng ngày, Phạm Ngọc Nguyện đi làm về, biết sự việc giữa mẹ mình với bà Bùi Thị Loan, Nguyện đến nhà bà Loan để nói chuyện. Đến nơi thấy bà Loan đang chẻ củi ở đường ngõ vào cổng, giữa Nguyện và bà Loan có lời qua tiếng lại, Nguyện nói: “Thôi, bà liệu mà sống, không sau này mấy anh em cháu còn nhìn nhau”. Nghe vậy, bà Loan nói: “Mày về bảo bố mẹ mày ấy, còn tao lúc nào cũng vậy”. Nghe bà Loan nói vậy, Nguyện tức dùng tay tát vào mặt bà Loan một cái. Bà Loan xông vào xô, đẩy cắn vào đùi Nguyện. Nguyện dùng tay trái túm tóc bà Loan giật về phía sau, đồng thời nhặt viên ngói vỡ màu đỏ, kích thước (35x25cm) đập vào đầu bà Loan làm viên ngói bị vỡ thành nhiều mảnh làm bà Loan bị thương tích 15%, mọi người vào can ngăn, đưa bà Loan đến Trạm y tế xã cấp cứu, sau đó bà Loan được đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình từ ngày 21/01/2015 đến ngày 27/01/2015 xuất viện. Sau khi gây thương tích cho bà Loan, Phạm Ngọc Nguyện bỏ trốn đến ngày 05/02/2015 Nguyện đến Công an huyện Kiến Xương đầu thú.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 24/2015/HSST ngày 28/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương tuyên bị cáo Phạm Ngọc Nguyện phạm tội: “Cố ý gây thương tích”; áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 33; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Ngọc Nguyện 01 năm tù.
- Vụ án thứ 2:Khoảng 09h ngày 29/10/2014, Vũ Văn Sơn đến quán ăn của chị Trần Thị Nhung ở thôn Quan Khê, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà ăn sáng, gặp anh Nguyễn Văn Đức sinh năm 1980, trú tại thôn Hải Triều xã Tân Lễ, anh Phạm Văn Dũng sinh năm 1990, trú tại thôn Quan Khê, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, anh Trần Thanh Tâm, sinh năm 1978 trú tại thôn Hà Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Sau khi ăn sáng xong, anh Đức nhờ chị Trần Thị Nhung mua hộ 01 bộ bài tú lơ khơ rồi rủ các anh Tâm, Sơn, Dũng đánh bạc dưới hình thức chơi lốc được thua bằng tiền tại phòng ngủ của gia đình chị Nhung. Quá trình chơi bài do anh Đức say rượu, nói nhiều và không chia được bài, nên giữa anh Đức và Sơn xảy ra cãi nhau, dẫn đến xô xát, anh Đức dùng chân đạp vào bụng, dùng tay đấm vào mồm Sơn, Sơn dùng tay trái tát một cái vào mặt bên phải và tay phải đấm một cái vào mắt trái anh Đức rồi cả hai xông vào vật lộn nhau trong buồng nhà chị Nhung thì được anh Tâm và Dũng vào can ngăn nên anh Đức và Sơn không đánh nhau nữa và mọi người đi ra khu vực bàn uống nước khu bán hàng ăn ngồi. Tại đây anh Đức và Sơn lại tiếp tục cãi nhau, anh Đức cầm chiếc điếu cày bọc Inox để trong chiếc xô nhựa cạnh bàn uống nước cầm ở tay phải vụt Sơn theo hướng từ trên xuống, Sơn ngồi ở ghế nhựa giơ tay trái lên đỡ nên trúng vào đốt thứ ba, ngón giữa bàn tay trái làm chiếc điếu cày văng ra, rơi xuống đất, đồng thời Sơn đứng dậy dúng tay đấm vào mặt làm anh Đức lùi lại phía sau ngã dựa vào người anh Dũng, Dũng dùng tay đỡ, nâng Đức dậy thì bị Đức đấm về phía sau vào mặt. Do bức xúc nên Dũng dùng tay vỗ vào vai rồi đám vào mạng sườn anh Đức thì anh Tâm vào can và đuổi nên Dũng ra về. Ngay lúc đó Sơn xông đến dùng tay đấm một cái vào vùng tai bên trái, đấm một cái vào vùng vai phía trước bên phải anh Đức làm anh Đức ngã ra nền quán bị thương chảy máu mũi và máu mồm. Anh Sơn và mọi người can ngăn đồng thời đưa anh Đức đi cấp cứu, anh Đức bị chết trên đường đi cấp cứu. Sau khi gây thương tích cho anh Đức, Sơn đến Công an huyện Hưng Hà đầu thú.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 37/2015/HSST ngày 25/6/2015 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, tuyên bố bị cáo Vũ Văn Sơn phạm tội: “Cố ý gây thương tích”; áp dụng khoản 3 Điều 104; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Vũ Văn Sơn 09 năm tù.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
-Trong việc thu giữ tang vật.
Ở vụ án thứ nhất: Tại biên bản quản lý tang vật hồi 15 giờ ngày 21/01/2015 tại thôn Đông Khánh xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương ghi: “Kiểm tra kỹ hiện trường có (ngói) phát hiện 01 viên gạch vỡ làm 3 mảnh có dính máu”. Nhưng tại biên bản niêm phong do Cơ quan điều tra lập hồi 18 giờ ngày 21/01/2015 tại xã Thượng Hiền ghi: “Tang vật niêm phong là 04 mảnh ngói bị vỡ không mô tả được hình dạng…”
Như vậy, Cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự.
- Trong việc khám nghiệm hiện trường.
Ở vụ án thứ hai: Trong biên bản khám nghiệm hiện trường và bản ảnh hiện trường cơ quan điều tra đã không mô tả được nạn nhân Nguyễn Văn Đức ngã, nằm ở vị trí nào trong khuôn viên nhà chị Nhung? Có dấu vết gì để lại ở vị trí nạn nhân ngã (vết máu, vết trượt mài trên nền quán nhà chị Nhung..?), có va đập với vật gì trên hiện trường không? Do đó kết quả khám nghiệm hiện trường hầu như không phục vụ được cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án, gây nên nhiều nghi ngờ cho gia đình nạn nhân cũng như nhân dân địa phương về hoạt động điều tra của cơ quan điều tra cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác (gia đình nạn nhân có nhiều đơn gửi các cơ quan báo chí cho rằng anh Nguyễn Văn Đức không phải do ngã trong khuôn viên nhà chị Nhung dẫn đến tử vong mà do bị giết và bỏ lọt người phạm tội).
Đồng thời quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra Công an huyện Hưng Hà đã thu giữ chiếc điếu cày, lẽ ra phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định xem ngoài dấu vân tay của nạn nhân là anh Nguyễn Văn Đức còn có dấu vân tay của anh Phạm Văn Dũng trên chiếc điếu không? Vì anh Dũng có dùng tay đánh anh Đức, nhưng cơ quan điều tra lại không thực hiện trưng cầu giám định vân tay. Vì đây là căn cứ để kết luận chỉ có nạn nhân Nguyễn Văn Đức dùng điếu cày vụt bị cáo Vũ Văn Sơn, không có việc anh Phạm Văn Dũng giật điếu cày rồi vụt anh Đức dẫn đến chấn thương cho anh Đức như lời khai của bị cáo Vũ Văn Sơn tại phiên tòa sơ thẩm.
Như vậy, Cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự.
Qua 2 vụ án trên cho thấy: Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không tiến hành lập biên bản quản lý vật chứng và niêm phong vật chứng riêng, hoặc có lập biên bản quản lý tang vật riêng nhưng không xem xét kỹ, mô tả không đúng đặc điểm tang vật đã thu giữ . Việc khám nghiệm hiện trường và mô tả hiện trường không đầy đủ, không chi tiết; nhưng trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên đã không phát hiện ra các mâu thuẫn, thiếu sót trên để yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung, giải quyết mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án, xác định sự thật khách quan, nên trong quá trình xét xử ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, Luật sư và đại diện hợp pháp của người bị hại và bị cáo căn cứ vào những mâu thuẫn đó để cho rằng các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã điều tra không khách quan, không phản ánh đúng hiện thực vụ án, dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp nhiều vướng mắc.
Ban biên tập