Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Những điểm mới chủ đạo về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
6/24/2016 9:24:11 AMLuật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 73 điều, Luật ra đời sẽ bảo đảm khắc phục những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam hiện hành; đồng thời khắc phục tình trạng tản mạn về hiệu lực trong các quy định về tạm giữ, tạm giam, qua đó góp phần bảo đảm các nguồn lực cần thiết để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Điểm nhấn chủ đạo của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam chính là việc quyền của người đang bị tạm giữ, tạm giam đã được quy định đầy đủ và phù hợp hơn. Đây không chỉ là những quy định mới, có tính chất nhân văn mà còn là một điểm sáng trong việc kế thừa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc đề cao quyền con người, quyền công dân trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã xây dựng một điều riêng (Điều 9) quy định cụ thể về tất cả những quyền mà người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng, trong đó có những quyền mà trước đây chưa được quy định, cụ thể như sau:

Một là, người bị tạm giữ, tạm giam được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam (các điểm a, e, g khoản 1 Điều 9). Được hưởng các chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh (được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 30).

Hai là, người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân (điểm b khoản 1 Điều 9). Đây là quy định mới, chưa từng có tiền lệ. Thực tế, theo quy định của pháp luật thì người bị tạm giữ, tạm giam chưa được xem là có tội, chỉ khi nào có bản án của Tòa án và bản án này có hiệu lực pháp luật thì khi đó họ mới được coi là có tội. Do đó, trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam họ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi họ đang bị tạm giữ, tạm giam là hoàn toàn hợp lý, là đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân.

Ba là, về quyền được gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Việc người bị tạm giữ, bị tạm giam được gặp thân nhân trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân và gia đình họ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gặp thân nhân nếu được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý. Quy định này dẫn đến nhiều trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân trong quá trình họ bị tạm giữ, tạm giam. Điều 22 đã thay thế quy định này bằng quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ và một lần trong mỗi lần gia hạn. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; việc thăm gặp do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Việc gặp người bào chữa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

(Quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam)

Bốn là, Luật đã dành hẳn một chương riêng (Chương V) để quy định về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Theo đó, các đối tượng trên được Luật quy định chi tiết về việc giam, giữ, chế độ ăn ở, quản lý, sinh hoạt, chăm sóc y tế, gặp gỡ thân nhân… Nhìn chung, họ là chủ thể đặc biệt nên Luật có những quy định nhằm đáp ứng tốt hơn việc giam giữ đối với họ.

Cụ thể, tại Điều 35 đã quy định về chế độ ăn ở, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Khi họ bị tạm giữ, tạm giam thì sẽ được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho trẻ sơ sinh, được đảm bảo thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em.

Năm là, việc kỷ luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam có quy định cụ thể hơn so với hiện hành. Trong khi quy định cũ quy định người bị phạt giam ở buồng kỷ luật có thể bị cùm một chân thì luật mới quy định có cân nhắc hơn. Đó là chỉ cùm một chân khi người bị cách ly ở buồng kỷ luật có hành vi chống phá, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân… Ngoài người dưới 18 tuổi và phụ nữ thì Luật quy định không áp dụng cùm chân thêm đối với người khuyết tật nặng và người đủ 70 tuổi trở lên (khoản 3 Điều 23).

Sáu là, quyền lợi của người đồng tính, người chuyển giới và người chưa thành niên được quan tâm hơn. Cụ thể, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người đồng tính, người chuyển giới thì họ có thể được bố trí buồng giam riêng nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe, tinh thần và phục vụ tốt cho công tác điều tra (khoản 4 Điều 18). Còn người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng (khoản 1  Điều 33). Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, bị tạm giam là người đã thành niên (Điều 34).

Bảy là, quyền khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định có trình tự và chặt chẽ hơn. Luật mới quy định đến 18 điều (Điều 44 đến Điều 61) liên quan tới khiếu nại, tố cáo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người đang bị tạm giữ, tạm giam. Ngoài ra, so với quy định cũ thì luật mới quy định rất cụ thể về phạm vi, thời hiệu khiếu nại, tố cáo, cũng như thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo.            
            Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao. Việc áp dụng Luật sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam quy định tại các Nghị định trước đây. Qua đó thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đang bị tạm giữ, tạm giam vốn là những người được coi là chưa có tội theo quy định Hiến Pháp năm 2013.

 

Nguyễn Tiến Tráng, Bùi Hữu Võ  (VKSND huyện Đông Hưng)

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1018

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5732204