Tin nghiệp vụ
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa phúc thẩm
5/27/2019 3:20:22 PMThực hiện Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự; Kế hoạch công tác kiểm sát số 01/KH-VKSTB ngày 09/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình. Qua công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, thấy vụ án Đỗ Văn Mười, sinh ngày 11/3/2002, đang được Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình thụ lý xét xử phúc thẩm về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự có tính chất phức tạp, do trong và sau quá trình xét xử sơ thẩm đại diện hợp pháp và bị cáo kêu oan, việc đánh giá nhiều tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, những người tiến hành tố tụng cũng có cách nhìn nhận đánh giá khác nhau, nên đồng chí Lại Hợp Mạnh – Kiểm sát viên cao cấp – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vào ngày 24/5/2019 qua đó làm rõ sự thật vụ án, bảo vệ công bằng, lẽ phải và giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên tham dự, theo dõi phiên tòa học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp góp phần thực hiện Kế hoach bồi dưỡng đào tạo cán bộ của Ngành.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 07 giờ ngày 29/5/2018, sau khi dùng điện thoại nhắn tin qua mạng xã hội Facebook để đe dọa đánh cháu Phạm Quang Hưng, sinh ngày 18/11/2004, trú tại thôn Phú Lễ 1, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Trịnh Ngọc Tuân, sinh ngày 14/01/2004 và Đỗ Văn Mười, sinh ngày 11/3/2002 đều trú tại thôn Phú Lễ 1, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư đã đến đường trục thôn Phú Lễ 1, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư đã chiếm đoạt của cháu Phạm Quang Hưng số tiền 5.700.000 đồng. Ngoài ra, Tuân và Mười còn tiếp tục đe dọa đánh, chiếm đoạt của cháu Phạm Quang Vinh, sinh ngày 23/6/2004 một chiếc điện thoại di động và của cháu Nguyễn Ngọc Tuyến, sinh ngày 22/10/2004 số tiền 3.000.000 đồng và 01 điện thoại di động. Hai chiếc điện thoại di động Mười và Tuân đem bán được 1.200.000 đồng. Số tiền, tài sản đã chiếm đoạt được Tuân và Mười chia nhau, Tuân được 5.000.000 đồng, chia cho Mười 4.900.000 đồng và đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HSST ngày 28/02/2019 của Toà án nhân dân huyện Vũ Thư tuyên bố bị cáo Trịnh Ngọc Tuân và Đỗ Văn Mười phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Tuân 01 năm 06 tháng tù; tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Mười 02 năm tù.

Trong và sau  khi xét xử sơ thẩm, bà Đỗ Thị Năm là người đại diện hợp pháp cho bị cáo Đỗ Văn Mười có ý kiến đề nghị điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án thật khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật do vụ án còn oan, sai, sót, lọt tội phạm, Đỗ Văn Mười bị xét xử quá nặng.

Tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên đã phân tích, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của  hành vi phạm tội, các chứng cứ buộc tội, nhân thân các bị cáo, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và khẳng định các bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai. Trước kết quả xét hỏi, thẩm vấn công khai tại phiên tòa phúc thẩm, cũng như những chứng cứ, tài liệu Kiểm sát viên chủ động công bố tại phiên tòa và việc phân tích, lập luận, tranh luận sắc bén của Kiểm sát viên, cuối cùng bị cáo và người đại diện đã  phải thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo như đã truy tố, không có việc oan, sót, lọt tội phạm như đơn kháng cáo của người đại diện hợp pháp cho bị cáo đã trình bày. Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, Kiểm sát viên phát biểu về quan điểm, đường lối giải quyết vụ án, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Thông qua phiên tòa, Kiểm sát viên đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi để bị cáo nhận thức được và có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, cải tạo tốt để sớm trở về hòa nhập cộng đồng, thành người có ích cho xã hội.

          Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là một biện pháp đào tạo trực tiếp các cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành. Qua việc tham dự phiên tòa, mỗi Kiểm sát viên, cán bộ tích lũy, học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích, đặc biệt là trong việc phân tích, đánh giá chứng cứ, cũng như việc xét hỏi, đấu tranh trực diện với bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa để làm rõ sự thật vụ án, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới ./.

Một số hình ảnh tại phiên tòa: 

Lê Thị Thúy Ngọc- Phòng 7 VKSND tỉnh

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 286

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5875495