Xuất khẩu lao động và mặt trái của những đồng ngoại tệ
6/6/2019 9:39:35 AMThông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình, nhận thấy: Trong những năm gần đây với sự phát triển của thị trường lao động, sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, rất nhiều gia đình ở các vùng nông thôn đã lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Nhiều gia đình, vợ hoặc chồng sau vài năm xa quê hương, đi lao động ở nước ngoài, do chịu khó làm ăn, tích lũy đã mang về từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng cho gia đình góp phần đáng kể làm thay đổi hoàn cảnh kinh tế hiên tại. Tuy nhiên nhiều trường hợp do người chồng hoặc người vợ xa nhà, khi có tiền, không giữ mình, thay lòng đổi dạ, tham gia cờ bạc, bồ bịch dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, tài sản tiêu tán, con cái hư hỏng.. Vụ việc dưới đây là một trong những điển hình như vậy.
Chị NTH và anh TDH đều sinh năm 1972 và cùng trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, anh chị biết nhau thông qua sự giới thiệu, tìm hiểu, sau đó yêu nhau và đi đến hôn nhân gần 20 năm tại một làng quê nghèo khó. Từng ngày trôi qua, sự đam mê và lãng mạn dần mất đi khi anh chị lần lượt có 02 mặt con chung. Cuộc sống khó khăn, anh chị bàn bạc và quyết định việc chị H đi xuất khẩu lao động, để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình tại đất nước Đài Loan xa xôi. Trong suốt gần 10 năm chị H đi lao động ở nước ngoài, anh H ở nhà cùng bố mẹ nuôi dạy, chăm sóc 02 con chung của anh chị; chị Hương đều đặn gửi tiền về cho chồng và ông bà nội để chăm lo cho cuộc sống của 02 con và xây dựng kiến thiết nhà cửa. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian xa cách ấy, anh H đã không giữ được tình yêu, lòng chung thủy của mình với người vợ tảo tần nơi đất khách quê người, anh đã nảy sinh tình cảm và chung sống với người phụ nữ khác. Ngày chị H chấm dứt hợp đồng lao động về nước, thay vì chị sẽ được hưởng cuộc sống đoàn tụ có vợ có chồng thì cái chị nhận được là sự phản bội, thay lòng đổi dạ của anh H. Chồng của chị bỏ đi biền biệt, mang theo tài sản là tiền, vàng, đồ đạc để chung sống với người phụ nữ khác. Sau bao nhiêu hàn gắn, níu kéo của chị H nhưng không có kết quả, anh chị đã kết thúc cuộc sống hôn nhân bằng một bản án số tại Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Những tưởng mọi sự liên quan, ràng buộc của anh chị đã chấm dứt khi con cái của anh chị đều đã trưởng thành, tuy nhiên, một lần nữa chị H lại tiếp tục phải đưa đơn kiện ra Tòa về vấn đề tài sản chung với anh H khi vấn đề này chưa được anh chị yêu cầu giải quyết đồng thời cùng bản án ly hôn trước đó. Người phụ nữ ấy, không ngừng trình bày về công sức, tài sản, tiền của của do mình đóng góp, gửi về trong suốt 10 năm lao động cực nhọc, chị khai về từng con gà chị mang đi thăm nuôi khi anh vướng vòng lao lý, chị kể về chiếc điện thoại chị đã mua cho anh, chị kể về chiếc xe đạp anh đã lấy, về số tiền chị gửi về làm quà cưới cho con nhưng đã bị anh mang đi chơi bời hết, ...Chị khai như thể không dừng lại được cho đến khi vị Chủ tọa phiên tòa nhiều lần phải nhắc nhở. Người chồng từng đầu gối tay ấp với chị đã phủ nhận toàn bộ công sức đóng góp của chị đối với khối tài sản chung của gia đình; phủ nhận đã sử dụng tiền bạc và tài sản do chị làm ra. Tranh cãi của anh chị không có hồi kết mà phải được phán quyết bằng một bản án, chị được nhận được giá trị tài sản số tiền gần 50 triệu đồng.
Diễn biến phiên tòa ấy khiến những người tiến hành tố tụng, những người tham dự phiên tòa không khỏi có những ý nghĩ xót xa, buồn bã, tiếc nuối cho một gia đình đã có gần 20 năm gắn kết; về tình nghĩa vợ chồng; về những đứa con, về cuộc đời của người phụ nữ và đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những gia đình khi có ý định đi xuất khẩu lao động, là mặt trái của những đồng ngoại tệ.
Vũ Thị Lan Anh- Phòng 9,Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình