Thông tin tuyên truyền
Một số nội dung về tuyển dụng và nâng ngạch công chức từ sau ngày 01/7/2019
7/10/2019 6:59:13 AMViệc tuyển dụng và thi nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo Quy chế mới kể từ ngày 01/7/2019 theo Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, một số quy định mới:

1. Bổ sung 3 trường hợp tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức (Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-BNV)

Trường hợp 1: Các trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, gồm:

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có thời gian làm viên chức từ đủ 05 năm (60 tháng) trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức (không kể thời gian tập sự);

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác từ đủ 05 năm (60 tháng) trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) hoặc làm công tác cơ yếu, tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức vào quân đội, công an hoặc tại các tổ chức của lực lượng cơ yếu;

- Người đang giữ chức danh, chức vụ (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng) tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc) tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 05 năm (60 tháng), không kể thời gian thử việc.

Trường hợp 2: Các trường hợp đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý điều động, luân chuyển (không thuộc trường hợp giải quyết chế độ thôi việc) đến làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc được cử làm đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trường hợp 3: Đối với trường hợp được tiếp nhận công chức để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên thì quy trình tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển được thực hiện đồng thời với quy trình về công tác bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

2. Bỏ quy định về tuyển dụng không qua thi tuyển đối với 02 đối tượng (Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-BNV)

- Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước;

- Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.

3. Bỏ việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển (Điều 6 Thông tư 03/2019/TT-BNV, Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP)

Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ Luật cán bộ, công chức và yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển và không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. Người đăng ký dự tuyển công chức nộp Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP để tham gia dự thi. Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển, người trúng tuyển mới phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

4. Thay đổi về nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển dụng công chức (Điều 6 Thông tư 03/2019/TT-BNV, Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP)

Việc thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi:

Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính hoặc trên giấy, nội dung thi trắc nghiệm trên giấy gồm 3 phần: kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học, riêng đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học thì người dự tuyển không phải thi phần tin học. Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thi nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học. Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình thức thi phỏng vấn hoặc thi viết, thời gian thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện là có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên và có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

5. Đổi mới trong việc thi nâng ngạch công chức ((Điều 1, Điều 6 Thông tư 03/2019/TT-BNV, Điều 2 Thông tư 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017)

Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức phải xây dựng Đề án thi nâng ngạch công chức, gửi Bộ Nội vụ có ý kiến trước khi tổ chức theo thẩm quyền. Đề án bao gồm các nội dung sau:

- Báo cáo về số lượng, cơ cấu ngạch công chức chuyên ngành hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

- Số lượng công chức ứng với ngạch dự thi còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm;

- Danh sách công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện được cử dự thi nâng ngạch;

- Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ của người đăng ký dự thi; nội dung, hình thức, thời gian thi;

- Dự kiến thành viên tham gia Hội đồng thi;

- Dự kiến thời gian, địa điểm và các nội dung khác để tổ chức kỳ thi.

Sau khi có ý kiến nhất trí của Bộ Nội vụ về Đề án thi nâng ngạch công chức, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức. Trên cơ sở kết quả thi nâng ngạch, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định hoặc phân cấp việc bổ nhiệm ngạch, xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch. Riêng đối với việc bổ nhiệm nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương phải có ý kiến của Bộ Nội vụ về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm nâng ngạch, xếp lương đối với công chức trúng tuyển.

Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong việc tuyển dụng, xét tuyển, nâng ngạch công chức./.

Lê Thị Như Hoa - Phòng Tổ chức cán bộ

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 104

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5731673