Thông tin tuyên truyền
Tổ chức, bộ máy, lãnh đạo ngành Kiểm sát Thái Bình qua 60 năm hình thành và phát triển
7/9/2020 6:41:50 AMThái Bình đã trải qua nhiều thay đổi trong quá trình dựng nước và giữ nước; mang nhiều tên gọi, có nhiều sự phân định địa giới khác nhau. Sau khi Pháp xâm lược, ngày 21/3/1890 toàn quyền Đông Dương đã quyết định cắt phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương thuộc tỉnh Nam Định và phủ Thần Khê, phủ Tiên Hưng thuộc tỉnh Hưng Yên để thành lập tỉnh mới, đặt tên là tỉnh Thái Bình. Bấy giờ Thái Bình có 3 phủ với 12 huyện, 95 tổng, 802 xã, thôn, phường, trại, ấp. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày 10/4/1946 Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Thái Bình thời kỳ này gồm 1 thị xã Thái Bình, 12 huyện (Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải, Thụy Anh, Thái Ninh, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Đông Quan, Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân, Thư Trì), với 829 xã, thôn.

Trước yêu cầu mới của cách mạng, ngày 29/4/1958 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Nghị quyết số 06 nhằm tăng cường bộ máy Nhà nước, trong đó quy định Viện công tố được tổ chức thành hệ thống cơ quan độc lập tách khỏi tổ chức của Toà án và sự quản lý của Bộ Tư pháp. Viện công tố trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang bộ, có chức năng, nhiệm vụ điều tra, truy tố trước Toà án những tội phạm hình sự; giám sát chấp hành pháp luật trong việc xét xử của Toà án; trong việc thi hành các bản án hình sự, dân sự; trong hoạt động của cơ quan giam giữ, cải tạo; khởi tố và tham gia tố tụng những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Viện công tố trung ương; các cấp ủy đảng địa phương, Viện công tố tỉnh Thái Bình và các Viện công tố huyện, thị xã trực thuộc được thành lập. Ngày đầu thành lập, Viện công tố tỉnh có 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đình Giốc - Tỉnh uỷ viên làm Viện trưởng; các Viện công tố huyện, thị chỉ có từ 1 đến 2 đồng chí. Cơ sở vật chất chưa có gì đáng kể, nhà làm việc còn chung với Toà án.

Trên cơ sở những quy định của Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 26/7/1960. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1960 chính thức đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là một hệ thống cơ quan Nhà nước độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, thực thi quyền lực Nhà nước góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Đó là cơ sở pháp lý để hình thành hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình được thành lập vào tháng 01 năm 1961, các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã của Thái Bình được thành lập vào tháng 3 năm 1961 để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, cũng như phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương. Đồng chí Nguyễn Đình Giốc - Tỉnh uỷ viên - Viện trưởng Viện công tố tỉnh Thái Bình đầu tiên được Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình.

Ngày mới thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình được sắp xếp thành bốn tổ công tác với 9 cán bộ, gồm: Văn phòng tổng hợp, Tổ kiểm sát chung, Tổ kiểm sát điều tra và Tổ kiểm sát xét xử hình sự, dân sự. Chi bộ đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình được tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào tháng 11/1961 để bàn nhiệm vụ chính trị của đơn vị và bầu Ban chi uỷ gồm 3 đồng chí. Tháng 12/1961, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định thành lập Uỷ ban kiểm sát gồm 5 đồng chí.

Đối với các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, sau Đại hội Đảng bộ các cấp tháng 3/1961, các cấp uỷ Đảng địa phương đã cử các đồng chí cấp uỷ viên sang phụ trách và được Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và phân bổ 15 cán bộ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã.

Năm 1969, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Thái Bình tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính, sáp nhập 13 huyện, thị xã thành 8 huyện, thị. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thời gian này có 23 đồng chí, vẫn gồm 04 bộ phận công tác: Bộ phận kiểm sát chung, Bộ phận kiểm sát điều tra, Bộ phận kiểm sát xét xử hình sự, dân sự và Văn phòng tổng hợp. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm: Viện kiểm sát nhân dân thị xã và 7 Viện kiểm sát nhân dân các huyện gồm: Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.

Năm 1973, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có 35 biên chế được chia thành 03 bộ phận, gồm: Bộ phận Văn phòng tổng hợp, tổ chức cán bộ, tiếp dân và giải quyết đơn; Bộ phận kiểm sát điều tra và xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, kinh tế, kiểm sát xét xử phúc thẩm, kiểm sát thi hành; Bộ phận kiểm sát chung, kiểm sát xét xử dân sự. 03 bộ phận trên được chia thành 06 tổ, gồm: Tổ kiểm sát chung; Tổ kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án trị an, an ninh; Tổ kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án kinh tế; Tổ kiểm sát xét xử phúc thẩm và thi hành án; Tổ kiểm sát xét xử dân sự và Văn phòng tổng hợp, tổ chức cán bộ và giải quyết đơn. Ở Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tổng biên chế có 44 cán bộ, Kiểm sát viên; đơn vị nhiều nhất có 06 biên chế, đơn vị ít nhất có 04 biên chế. Về cơ cấu lãnh đạo, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng và tối đa 02 Phó Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Viện trưởng và tối đa 01 Phó Viện trưởng. Các đồng chí Nguyễn Ngọc Rao và Tô Văn Hưu - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được nghỉ hưu. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định bổ nhiệm các đồng chí Nguyễn Văn Thân, Đỗ Thị Nguyên giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Từ năm 1979 đồng chí Nguyễn Văn Hỏa giữ chức vụ Quyền Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Đến năm 1981, đồng chí Nguyễn Văn Hỏa nghỉ chế độ, đồng chí Nguyễn Văn Thân giữ chức Quyền Viện trưởng (lúc này Viện kiểm sát tỉnh không có Phó Viện trưởng). Song đến năm 1982, bộ máy lãnh đạo của Viện kiểm sát tỉnh đã được kiện toàn kịp thời; đồng chí Nguyễn Văn Thân chính thức được bổ nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; các đồng chí Phan Hải Hoàn, Phạm Hùng Cường được bổ nhiệm giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình.

Cuối năm 1982, Văn phòng tổng hợp và 8 Phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được thành lập theo Quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay thế các bộ phận và tổ công tác trước đây, gồm: Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng kiểm sát xét khiếu tố; Phòng kiểm sát điều tra án trị an, an ninh; Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế; Phòng kiểm sát tuân theo pháp luật; Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm và thi hành án hình sự; Phòng kiểm sát giam giữ, cải tạo và Phòng kiểm sát xét xử và thi hành án dân sự. Sau khi các Phòng nghiệp vụ được thành lập, biên chế toàn ngành Kiểm sát Thái Bình có 134 người. Số lượng Kiểm sát viên giai đoạn này là 78 người tăng gấp đôi giai đoạn trước, trong đó có 18 Kiểm sát viên trung cấp, tăng 8 người. Số lượng cán bộ được bổ sung giai đoạn này chủ yếu tăng cường cho cấp tỉnh, số lượng đảng viên tăng mạnh, chiếm tỉ lệ khoảng trên 2/3 tổng số biên chế cán bộ trong ngành Kiểm sát Thái Bình. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp nhận một lực lượng đáng kể các đảng viên, đoàn viên trẻ đã tốt nghiệp Đại học chính quy thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, tự nhiên và từ quân đội chuyển ngành về, trong đó có một số đồng chí nguyên là sĩ quan quân đội. Nắm bắt được điều kiện thuận lợi này, đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh đã quyết định thành lập Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình và cử đồng chí Đoàn Thanh Bình là đảng viên làm Bí thư chi đoàn. Từ đó, tổ chức Đoàn thanh niên ngày càng phát triển hoàn thiện, vững mạnh, lực lượng đoàn viên thanh niên thực sự là lực lượng nòng cốt trong các phong trào học tập, hoạt động văn hoá, thể thao và tự vệ cơ quan.

Năm 1986, Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Khiếu tố được sáp nhập vào Văn phòng tổng hợp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cơ cấu 07 phòng, gồm: Văn phòng Tổng hợp, Phòng kiểm sát điều tra án trị an, an ninh; Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế; Phòng kiểm sát tuân theo pháp luật; Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm và thi hành án hình sự; Phòng kiểm sát tuân theo pháp luật; Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm và thi hành án hình sự; Phòng kiểm sát giam giữ, cải tạo và Phòng kiểm sát xét xử và thi hành án dân sự. Đồng chí Nguyễn Văn Thân giữ chức Viện trưởng; các đồng chí Phan Hải Hoàn, Phạm Hùng Cường giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Cuối năm 1986, đồng chí Nguyễn Văn Thân nghỉ hưu, đồng chí Vũ Tiến Sùng - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Quỳnh Phụ được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình. Năm 1989, đồng chí Phan Hải Hoàn nghỉ hưu, đồng chí Phạm Huy Thận được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình.

Về tổ chức Đảng, năm 1990 Chi bộ Viện kiểm sát tỉnh được Tỉnh uỷ Thái Bình quyết định chuyển thành Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

Năm 1992 thành lập Phòng điều tra, năm 1995 thành lập Phòng kiểm sát thi hành án, năm 1996 thành lập Phòng tổ chức cán bộ, Phòng kiểm sát xét khiếu tố, nâng tổng số phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh lên 11 phòng, gồm: Văn phòng tổng hợp, Phòng kiểm sát điều tra án trị an, an ninh; Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế; Phòng kiểm sát tuân theo pháp luật; Phòng kiểm sát xét xử hình sự; Phòng điều tra; Phòng kiểm sát xét xử dân sự; Phòng kiểm sát giam giữ, cải tạo, Phòng kiểm sát thi hành án; Phòng kiểm sát xét khiếu tố; Phòng Tổ chức cán bộ.

Năm 1991 đồng chí Phạm Huy Thận được bầu là Tỉnh uỷ viên, sau đó năm 1992 được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình thay đồng chí Vũ Tiến Sùng nghỉ hưu; đồng chí Phạm Hùng Cường - Phó Viện trưởng được điều động về Viện kiểm sát nhân dân tối cao công tác; đồng chí Trần Xuân Vỵ và đồng chí Nguyễn Duy Phờn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình

Năm 1998, đồng chí Phạm Huy Thận - Viện trưởng Viện kiểm sát Thái Bình được điều lên công tác tại Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Đồng chí Bùi Đức Long - Kiểm sát viên cao cấp - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình và được Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ định làm Bí thư Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình, được bầu bổ sung là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đến năm 2000, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra, trong ngành Kiểm sát chỉ có Cơ quan điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chấm dứt hoạt động của Phòng điều tra. Đồng thời, thành lập Phòng kiểm sát điều tra án an ninh - ma tuý tách ra từ Phòng kiểm sát điều tra án trị an - an ninh. Biên chế của ngành Kiểm sát Thái Bình năm 2000 có 158 cán bộ, Kiểm sát viên, toàn ngành có 01 Kiểm sát viên cao cấp, 50 Kiểm sát viên tỉnh, 74 Kiểm sát viên huyện, 117 đảng viên, 138 Kiểm sát viên có trình độ cử nhân luật, cao đẳng kiểm sát.

Thực hiện Nghị quyết số 51/2002/QH10 của Quốc hội khoá 10 và sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong quý I năm 2002, ngành Kiểm sát Thái Bình đã hoàn thành việc sắp xếp, điều chuyển cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát tuân theo pháp luật ở hai cấp tăng cường cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát trong lĩnh vực hình sự và các khâu công tác kiểm sát khác. Đồng thời đề nghị và được Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định cho thành lập Phòng kiểm sát điều tra án an ninh - ma tuý tách ra từ Phòng kiểm sát điều tra án trị an - an ninh. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp bố trí cán bộ theo hướng tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ cải cách tư pháp đòi hỏi đề cao vai trò, trách nhiệm của Viện trưởng và các đồng chí lãnh đạo Viện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác của ngành Kiểm sát. Tháng 8 năm 2002, căn cứ vào thực tế yêu cầu công tác ở địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã đề nghị được Viện kiểm sát tối cao quyết định bổ sung thêm một Phó Viện trưởng; đồng thời kiện toàn bộ máy lãnh đạo cho Viện kiểm sát tỉnh gồm đồng chí Viện trưởng và 3 đồng chí Phó Viện trưởng. Đồng chí Trần Xuân Vỵ được bổ nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thay đồng chí Bùi Đức Long được điều động lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao công tác; đồng chí Hoàng Văn Vĩnh - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng và đồng chí Lê Trung Mưu - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương được bổ nhiệm là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Duy Phờn tiếp tục giữ chức vụ Phó Viện trưởng (đến tháng 5 năm 2006 đồng chí qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo). Đối với Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố cũng được tăng thêm một Phó Viện trưởng từ tháng 8/2003. 

Năm 2003, thực hiện Quyết định số 120/2003/QĐ-VT ngày 24/4/2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã sáp nhập 3 phòng: Phòng kiểm sát điều tra án trị an, Phòng kiểm sát điều tra án an ninh - ma tuý và Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế thành Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án sơ thẩm hình sự. Sáp nhập Phòng tổ chức cán bộ và Phòng kiểm sát xét khiếu tố thành Phòng tổ chức cán bộ và khiếu tố; thành lập Phòng thống kê tội phạm trên cơ sở tách ra từ Văn phòng tổng hợp.

Năm 2003, thực hiện Quyết định số 120/2003/QĐ-VT ngày 24/4/2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã sáp nhập 3 phòng: Phòng kiểm sát điều tra án trị an, Phòng kiểm sát điều tra án an ninh - ma tuý và Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế thành Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án sơ thẩm hình sự. Sáp nhập Phòng tổ chức cán bộ và Phòng kiểm sát xét khiếu tố thành Phòng tổ chức cán bộ và khiếu tố; thành lập Phòng thống kê tội phạm trên cơ sở tách ra từ Văn phòng tổng hợp. Như vậy về tổ chức bộ máy của ngành Kiểm sát Thái Bình trong những năm 2003 đến 2005 có 8 Phòng nghiệp vụ và 8 Viện kiểm sát huyện, thành phố. Cùng với việc làm đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã kiện toàn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên cho các Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Phòng kiểm sát thi hành án; Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý giáo dục người chấp hành hình phạt tù.

Song song với việc kiện toàn lại bộ máy các phòng ở cấp tỉnh, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình còn chỉ đạo các Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố có sự điều chỉnh phù hợp, phân công các bộ phận làm công tác nghiệp vụ một cách cụ thể, khoa học hơn theo đúng Quyết định số 121/2003/QĐ-VTC(V9) ngày 09/11/2003, bộ máy làm việc của Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố gồm có 3 bộ phận:

- Bộ phận thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam;

- Bộ phận kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính, kinh tế, và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án.

- Bộ phận Văn phòng tổng hợp, thống kê tội phạm và khiếu tố.

Năm 2005, do khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã báo cáo đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho tách các phòng theo cơ cấu cũ.  Chia tách Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự thành 2 phòng là: Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ, án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 1) và Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh - ma tuý (Phòng 2). Tháng 6 năm 2006, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định chia tách Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ, án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 1) thành: Phòng  thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế và chức vụ (Phòng 1) và Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 1A). Đồng thời quyết định chia tách Phòng Tổ chức cán bộ và Khiếu tố thành 2 phòng: Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng kiểm sát xét khiếu tố. Như vậy, từ năm 2006 bộ máy ở cơ quan Viện kiểm sát tỉnh có 11 phòng, gồm Văn phòng, Phòng tổ chức cán bộ và 9 phòng nghiệp vụ công tác kiểm sát: Phòng kiểm sát xét khiếu tố; Phòng kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế, chức vụ; Phòng kiểm sát điều tra án an ninh, ma túy; Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự; Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; Phòng kiểm sát thi hành án; Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Phòng thống kê tội phạm.

Đến thời điểm đầu năm 2010, bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình có 169 người (ở cơ quan Viện kiểm sát tỉnh là 59, Viện kiểm sát huyện, thành phố là 110); 36 Kiểm sát viên cấp tỉnh; 64 Kiểm sát viên cấp huyện; 45 đồng chí đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Về trình độ chuyên môn của cán bộ đã được nâng lên đáng kể, có 4 đồng chí đã tốt nghiệp Thạc sỹ luật, 139 đồng chí đã tốt nghiệp Cử nhân Luật hoặc Đại học chuyên ngành khác, còn lại đều có trình độ Cao đẳng hoặc trung cấp.

Về lãnh đạo, quản lý Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có nhiều thay đổi, trong năm 2010 có 02 đồng chí lãnh đạo nghỉ chế độ: tháng 6/2010 đồng chí Hoàng Văn Vĩnh - Phó Viện trưởng, tháng 12/2010 đồng chí Trần Xuân Vỵ - Viện trưởng nghỉ chế độ hưu trí. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kịp thời kiện toàn bảo đảm việc chuyển giao thế hệ cán bộ lãnh đạo quản lý không ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tháng 12/2010 các đồng chí Lê Trung Mưu - Phó Viện trưởng được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng, đồng chí Lại Hợp Mạnh - Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ, đồng chí Trần Xuân Đệ - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố cùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Như vậy từ tháng 12/2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có đủ cơ cấu 04 đồng chí lãnh đạo, trong đó có 01 đồng chí Phó Viện trưởng là nữ. Tháng 03/2014, đồng chí Đỗ Thị The - Phó Viện trưởng nghỉ chế độ hưu trí, đến tháng 9/2014, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Huy - Chánh Văn phòng giữ chức vụ Phó Viện trưởng. Đồng thời thực hiện Đề án thí điểm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ trong ngành Kiểm sát nhân dân, theo đó, đồng chí Phạm Viết Vượng - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh từ tháng 11/2014, nâng số Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình lên 04 đồng chí.

Năm 2014, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết thành lập Thanh tra cấp tỉnh tương đương cấp phòng tại 8 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, các tỉnh còn lại thành lập Tổ thanh tra chuyên trách thuộc Phòng Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Tháng 4/2014,Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã thành lập Tổ thanh tra trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ và bố trí 01 đồng chí Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ trực tiếp phụ trách Tổ thanh tra.

Biên chế toàn ngành Kiểm sát Thái Bình được giao là từ năm 2010 đến năm 2015 không thay đổi là 205 người, trong đó cấp tỉnh 64, cấp huyện 141. Toàn ngành hiện có 41 Kiểm sát viên trung cấp, 81 Kiểm sát viên sơ cấp, 21 Kiểm tra viên; 50 đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hai cấp. Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân lý luận chính trị 01, cao cấp lý luận chính trị 26, trung cấp lý luận chính trị 40. Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ luật 08, Cử nhân luật 163, Đại học khác 15, còn lại là Cao đẳng, trung cấp khác.

Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 ra đời, có hiệu lực từ ngày 01/6/2015, đánh dấu một bước ngoặt trong tổ chức bộ máy, cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết quy định về thành lập hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm 04 cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Viện kiểm sát quân sự các cấp. Ngày 18/8/2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định số 587/QĐ-VKSTC-V15 quy định tên gọi tắt, ký hiệu của các đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, một số Phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình do chức năng, nhiệm vụ thay đổi, được điều chỉnh tên phòng như: Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự thành tên Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự; Phòng kiểm sát xét Khiếu tố thành  Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Từ ngày 01/4/2017, cơ cấu tổ chức bộ máy cấp phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có sự thay đổi, Thanh tra (tương đương đơn vị cấp Phòng) thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 43/QĐ-VKSTC ngày 20/3/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiệm vụ của Tổ thanh tra thuộc Phòng Tổ chức cán bộ được chuyển giao hết cho Thanh tra. Cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh gồm 12 đơn vị cấp phòng và tương đương.

Về cơ cấu và lãnh đạo quản lý Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có sự thay đổi chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo: tháng 3/2017 đồng chí Trần Xuân Đệ - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và tháng 11/2017 đồng chí Lê Trung Mưu - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nghỉ chế độ hưu trí. Tháng 11/2017, đồng chí Lại Hợp Mạnh - Phó Viện trưởng được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Vũ Xuân Đông - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh bảo đảm cơ cấu lãnh đạo gồm 01 Viện trưởng và 03 Phó Viện trưởng. Tháng 01/2019 đồng chí Vũ Xuân Đông - Phó Viện trưởng được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đến tháng 6/2019 đồng chí Trần Thị Thu Trà - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và chỉ đạo của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị cấp phòng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Ngày 31/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 29/QĐ-VKSTC về sáp nhập 8 đơn vị cấp phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thành 4 đơn vị cấp phòng, gồm: Phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin và Văn phòng tổng hợp; Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, ma túy; Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự và Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Thanh tra và Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Như vậy, kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2020 đến nay, cơ cấu bộ máy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình gồm 8 đơn vị cấp phòng và tương đương, 08 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố. Về tổ chức Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh và 08 chi bộ trực thuộc Đảng bộ, 08 chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố trực thuộc Huyện ủy, Thành ủy. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đều tham gia cấp ủy địa phương, 08/8 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương.

Về biên chế, từ năm 2015 đến năm 2018 biên chế của ngành Kiểm sát Thái Bình cơ bản ổn định, song từ năm 2019 đến nay có nhiều biến động, thay đổi do thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2018-2021, theo đó số biên chế phải giảm theo quy định tại Nghị quyết 39 là 10% (20 người) so với số biên chế được giao. Do đó năm 2019, theo quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình giảm 06 biên chế. Đến tháng 6/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục điều chỉnh giảm 06 biên chế của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình. Như vậy từ tháng 6/2020, biên chế của ngành Kiểm sát Thái Bình chỉ còn 193 người, giảm 12 biên chế so với năm 2018. Tại thời điểm này, biên chế Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thực hiện là 193 (cấp tỉnh 62, cấp huyện 131). Trong đó: đảng viên 180; Tỷ lệ cán bộ nữ là 113/193 biên chế, chiếm 58,5%. Kiểm sát viên cao cấp: 01; Kiểm sát viên trung cấp 51/53 chỉ tiêu được giao (ở tỉnh: 34, ở huyện: 17); Kiểm sát viên sơ cấp 86/91 chỉ tiêu được giao; Kiểm tra viên 23; Chuyên viên chính 01; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hai cấp là 48 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: Thạc sỹ luật 26, Cử nhân luật 147; Đại học khác 12; Cao đẳng, trung cấp 08. Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận 32, trung cấp lý luận 51.

Mặc dù ra đời trong điều kiện vô cùng khó khăn, biên chế ít, song Viện công tố tỉnh Thái Bình và Viện công tố các huyện, thị xã sau này là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố đã tích cực hoạt động vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng bộ máy cơ quan tư pháp nước nhà nói chung và sự hình thành, phát triển ngành Kiểm sát nói riêng. 60 năm đã qua, bộ máy tổ chức, biên chế ngành Kiểm sát Thái Bình có những thay đổi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; số lượng, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu, công tác, bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương; đồng thời, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân ngày càng được nâng cao./.

Phạm Thị Thùy – Trưởng phòng 15 VKSND tỉnh

  (Viết và Sưu tầm – Lịch sử ngành Kiểm sát Thái Bình 1960-2010)

 

  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 2880

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5729419