MỘT SỐ VI PHẠM THƯỜNG GẶP TRONG CÔNG TÁC XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN
4/27/2016 10:06:34 AMXác minh điều kiện thi hành án là một thủ tục rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình tổ chức thi hành án, là cơ sở pháp lý để Chấp hành viên đề ra biện pháp thi hành án phù hợp đối với từng vụ việc. Có xác minh khách quan, chính xác, đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì mới có kế hoạch, phương án tổ chức thi hành án đạt hiệu quả. Do đó xác minh điều kiện thi hành án là điều kiện không thể thiếu và không được xem nhẹ trong quá trình thi hành án các bản án; quyết định của Tòa án. Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương thấy một số vi phạm thường gặp trong công tác xác minh điều kiện thi hành án như sau
1. Chậm xác minh điều kiện thi hành án:
Đây là vi phạm thường xuyên xảy ra của các Cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2014 thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều này cũng quy định: “Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần…”
Trên thực tế, nhiều vụ việc các Chấp hành viên chậm tiến hành xác minh (có nhiều vụ việc chậm vài ngày, vài tháng, cá biệt có trường hợp chậm cả năm). Khi trực tiếp tiến hành xác minh đối với các trường hợp chưa có điều kiện thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã phát hiện 02 việc Chấp hành viên chậm xác minh 02 tháng, 01 việc chậm xác minh 06 tháng.
Xác minh điều kiện thi hành án cũng như công tác giáo dục, thuyết phục đương sự là khâu đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo. Việc xác minh sai điều kiện thi hành án dẫn tới việc ra các quyết định về thi hành án sai.
2. Phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án không đúng quy định của pháp luật:
Trên cơ sở kết quả xác minh, chấp hành viên có trách nhiệm xác định vụ việc có hay không có điều kiện thi hành án để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu phân loại chính xác là vấn đề quan trọng của việc thi hành án. Tuy nhiên, trong thực tế, sai phạm trong phân loại án vẫn xảy ra như:
- Kết quả xác minh không chính xác dẫn tới việc ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án sai căn cứ:
Trong nhiều trường hợp Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng tại thời điểm xác minh người phải thi hành án không có mặt tại địa phương (như đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…). Sau đó một thời gian Chấp hành viên mới ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án tuy nhiên tại thời điểm ban hành này, người phải thi hành án đã xác định được địa chỉ, nơi cư trú rõ ràng (đã chấp hành xong hình phạt tù, chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, chữa bệnh bắt buộc trở về địa phương…). Do đó, Chấp hành viên căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật thi hành án dân sự 2014 (Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng) để ra Quyết định về việc chưa có điều kiện là sai căn cứ pháp luật.
Qua công tác trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình phát hiện có 02 người phải thi hành án tại thời điểm xác minh đã chấp hành xong hình phạt tù và biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đã trở về địa phương. Sau khi xác minh, Chi cục thi hành án dân sự huyện ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án dựa trên căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật thi hành án dân sự 2014. Trong khi đó, 02 người phải thi hành án này đã trở về địa phương nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện thi hành án, thuộc trường hợp điểm a khoản 1 Điều 44 a Luật này (Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án).
- Việc phân loại việc chưa có điều kiện của Cơ quan thi hành án dân sự chưa chính xác:
Khi có thay đổi về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án, Chấp hành viên do chậm xác minh nên chưa nắm bắt được thông tin do đó khi Chấp hành viên ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án thì người phải thi hành án lại có điều kiện thi hành án nên đương nhiên Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là không đúng quy định của pháp luật. Đó là những vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng được xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành. Chi cục thi hành án dân sự huyện đã ban hành 02 Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với 02 người phải thi hành án căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 44a Luật thi hành án dân sự 2014. Tuy nhiên, qua công tác trực tiếp xác minh, Viện kiểm sát nhận thấy 02 trường hợp này có địa chỉ, nơi cư trú rõ ràng, đã tham gia lao động, có thu nhập ổn định, đủ điều kiện để thi hành án.
Những vi phạm nêu trên là do Chấp hành viên không thực hiện đúng quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2014, Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Chấp hành viên chưa thực hiện đúng các quy định tại khoản 2 Điều 44a Luật sửa đổi bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2014 nên khi người phải thi hành án dân sự có sự thay đổi, bổ sung về tài sản thì Chấp hành viên chưa nắm bắt thông tin kịp thời để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên còn chưa cao, chưa chủ động trong việc xác minh điều kiện thi hành án nên đã dẫn đến các vi phạm nêu trên.
Điều này dẫn đến các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án không được tổ chức thi hành nghiêm minh, đúng pháp luật; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được thi hành án và là nguyên nhân của các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong thi hành án dân sự.
|
Lê Thị Thủy- Viện kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương
|