Bàn về tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự.
5/12/2021 7:58:25 AMQua thực tiễn công tác, việc nhận thức áp dụng Điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về hành vi “làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” còn có những quan điểm khác nhau, tôi xin được trao đổi ý kiến cá nhân về việc áp dụng Điều luật trên; rất mong nhận được sự tham gia, đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc.
Nội dung vụ án: Do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, Nguyễn Thị L sinh năm 1989, trú tại xã Q, huyện P, tỉnh TB đã có ý định khắc con dấu có nội dung là: “Ngân hàng Vietcombank chi nhánh QP, đã thu tiền” (loại dấu hình vuông) mục đích để tạo niềm tin khi đi vay tiền để tiêu xài. Ngày 04/4/2021, L khắc được con dấu “đã thu tiền…” như trên, rồi L đến ngân hàng Vietcombank xin giấy nộp tiền vào tài khoản, L đi về nhà tự điền thông tin cá nhân vào tờ giấy đó là đã nộp số tiền 100 triệu vào ngân hàng và sử dụng con dấu tự khắc“đã thu tiền…” đóng vào. Ngày 05/4/2021, L đến nhà bạn là H, hỏi vay H số tiền 100 triệu đồng với lý do là cần tiền gấp nên chưa kịp rút tiền từ ngân hàng, đồng thời L đưa giấy đã nộp tiền vào ngân hàng trước đó đã làm giả cho H xem để H tin tưởng cho L vay số tiền 100 triệu đồng. Sau khi vay được tiền, L mang số tiền trên tiêu xài hết, đến hạn không có khả năng trả nợ H. H đã đến Cơ quan điều tra tố cáo hành vi của L. Hiện Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố L về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình giải quyết vụ án, phát sinh quan điểm về việc hành vi của L có cấu thành tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) hay không, hiện có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: L phạm tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Bởi vì: L có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi làm giả con dấu với lỗi cố ý trực tiếp; L không có thẩm quyền khắc, tạo ra con dấu theo quy định của pháp luật nhưng đã tạo ra con dấu “đã thu tiền của Ngân hàng Vietcombank” như nêu trên. Hành vi phạm tội của L hoàn thành kể từ khi L đã tạo ra được con dấu ngày 04/4/2021; Điều 341 Bộ luật Hình sự không yêu cầu việc làm giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả:L không phạm tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Bởi vì, mặc dù L có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi làm giả con dấu với lỗi cố ý trực tiếp; L không có thẩm quyền khắc, tạo ra con dấu “đã thu tiền…”, hành vi của L đã hoàn thành kể từ khi tạo ra con dấu đó nhưng con dấu đó không thuộc loại con dấu phải đăng ký mẫu tại cơ quan Công an, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ về quản lý và sử dụng con dấu. Do đó, L không xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu.
Do còn có nhiều quan điểm khác nhau về nhận thức khi áp dụng pháp luật nói chung, áp dụng Điều 341 Bộ luật Hình sự về hành vi “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” nói riêng, nên trong bài viết này tác giả chỉ tập trung phân tích, đánh giá về hành vi của L có phạm tội “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức” hay không. Rất mong nhận được ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.
Vũ Công Huân - Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình