Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong sử dụng điện trái pháp luật.
10/20/2021 8:43:46 AMThời gian qua, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Bình đã triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do chuột phá hoại lúa và hoa màu.
Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp sinh học, hóa học và thủ công, không sử dụng điện để bẫy, diệt chuột. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng điện để bẫy, diệt chuột. Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Thái Bình đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án hình sự đối với người có hành vi sử dụng điện để bẫy, diệt chuột gây hậu quả chết người, có vụ được xác định là án trọng điểm đưa đi xét xử lưu động nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, trong đó có các vụ án “Giết người” do hành vi sử dụng điện trái pháp luật để bẫy, diệt chuột, đánh bắt cá, bảo vệ tài sản, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thấy: từ ngày 01/01/2019 đến 31/8/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ người dân sử dụng điện để bẫy, diệt chuột làm chết 19 người ở 19 xã, thị trấn thuộc 06 huyện trong tỉnh. Các vụ việc xảy ra đều có điểm chung là người dân sử dụng dây truyền dẫn điện không có vỏ bọc hoặc dây thép loại nhỏ, cắm giăng bao quanh thửa ruộng. Nhiều vụ sử dụng điện bẫy, diệt chuột thực hiện trong thời gian dài ở tất cả các vụ sản xuất trong năm; quá trình sử dụng điện bẫy, diệt chuột không cảnh báo nguy hiểm, không có người canh coi; tại một số nơi, nhiều người dân cùng thoả thuận thuê người khác sử dụng điện để bẫy, diệt chuột chung cho các hộ gia đình. Hành vi sử dụng điện trái phép để bẫy, diệt chuột, đánh bắt cá, bảo vệ tài sản mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm quy định khoản 7 Điều 7 Luật Điện lực năm 2004 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện: “Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại Điều 59 của Luật này”.
Để kịp thời ngăn chặn việc người dân tự ý sử dụng điện trái pháp luật để bẫy, diệt chuột, đánh bắt cá, bảo vệ tài sản… và loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp, an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành kiến nghị số 05/KN-VKSTB ngày 12/10/2021, kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành văn bản, chỉ thị để chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, triển khai thực hiện việc bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm có thể xảy ra; kiểm tra, rà soát công tác quản lý lưới điện sinh hoạt; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung an toàn trong sản xuất nông nghiệp, cảnh báo những nguy cơ để nhân dân biết, chủ động phòng tránh; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các vụ việc vi phạm tiềm ẩn nguy hiểm... Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của tỉnh kịp thời khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự liên quan đến các hành vi sử dụng điện bẫy, diệt chuột, đánh bắt cá, bảo vệ tài sản... gây hậu quả chết người. Lựa chọn, xác định một số vụ án trọng điểm, đưa đi xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã góp phần tích cực vào việc ngăn chặn việc người dân tự ý sử dụng điện trái pháp luật để bẫy, diệt chuột, đánh bắt cá, bảo vệ tài sản, loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm, tội phạm, bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp, an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các quy định của Luật Điện lực; khắc phục các thiếu sót, sơ hở, nêu cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về Điện lực. Kiến nghị đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh tiếp thu, giao cho các đơn vị chức năng của Uỷ ban nhân dân tỉnh tham mưu, tổ chức thực hiện./.
Vũ Văn Nam – Phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình