Viện Kiểm sát - Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác công tác giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật
3/10/2023 8:47:26 AM Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình và Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình thống nhất xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp. Lãnh đạo liên ngành đã giao cho Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật (phòng 9) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa dân sự Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp, đồng chủ trì nghiên cứu các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, các Thông tư của liên ngành tư pháp trung ương; tham mưu cho lãnh đạo liên ngành xây dựng dự thảo quy chế phối hợp.
Hai ngành đã tổ chức tổng kết việc phối hợp liên ngành trong thời gian qua; đồng thời ở nhiều cấp độ khác nhau tổ chức nhiều cuộc trao đổi, hội thảo có chất lượng, từ đó thống nhất nội dung quy chế phối hợp mới để trình lãnh đạo liên ngành cho ý kiến và tổ chức ký kết.
Hình ảnh phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến
Quy chế phối hợp liên ngành được nhất trí thông qua với 3 chương, 15 Điều quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình và Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình trong việc giải quyết, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật bắt đầu từ khi Toà án có văn bản trả lại đơn khởi kiện hoặc từ khi thụ lý cho đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án, vụ việc. Nội dung của Quy chế tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Phối hợp trong việc gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, quyết định mở phiên họp của Tòa án và gửi quyết định phân công, quyết định thay đổi Kiểm sát viên của Viện kiểm sát; phối hợp trong việc gửi các quyết định tố tụng, bản án và các văn bản tố tụng cho VKS; chuyển hồ sơ vụ, việc giữa Toà án và VKS; việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ được cung cấp, thu thập bổ sung cho Viện kiểm sát và thực hiện yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát; phối hợp trong việc tham gia phiên toà, phiên họp và tham gia xem xét, thẩm định, hòa giải, đối thoại; Hoạt động sau phiên toà. Đặc biệt quy chế còn tập trung quy định về công tác phối hợp trong việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm, phiên toà trực tuyến, phiên toà trình chiếu hồ sơ số hoá; Công tác phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của VKS; phối hợp trong thành lập đoàn công tác liên ngành, tổ chức hội nghị liên ngành; tham gia hội thảo, hội nghị tập huấn nghiệp vụ.
Việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đã khẳng định sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo hai ngành trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự. Qua đó để mỗi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy chế, cùng với việc phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, sáng tạo, đổi mới, đồng sức, đồng lòng của hai ngành sẽ góp phần bảo vệ quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Lại Thị Thu Hà – Phòng 9