Tin hoạt động
Hội nghị tập huấn "Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự”
11/2/2023 3:39:18 PMThực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, ngày 02/11/2023, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề nghiệp vụ: "Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự”

Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lại Hợp Mạnh-Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình, các đồng chí Nguyễn Xuân Huy, Phạm Viết Vượng, Trần Thị Thu Trà - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên của Viện kiểm sát hai cấp. Hội nghị diễn ra trong 1/2 ngày dưới hình thức truyền hình trực tuyến từ điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đến Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố.

Đồng chí Lại Hợp Mạnh- Viện trưởng dự và chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lại Hợp Mạnh-Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, mang ý nghĩa quyết định đến việc kết luận một người là có tội hay không có tội, quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng có được đảm bảo hay không, việc thực thi pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng có đúng không. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát Thái Bình đã có nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự vẫn còn những tồn tại, hạn chế ở cả ba giai đoạn: trước, trong và sau phiên tòa. Thông qua chuyên đề "Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự” nhằm đánh giá thực trạng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, tìm ra nguyên nhân của hạn chế, tồn tại, từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ và tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; đảm bảo hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay. Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị thông qua hội nghị, tổng kết đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn vướng mắc để cùng thảo luận giải quyết và đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của công tác này.

Đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh- Trưởng phòng 7 trình bày các nội dung tại hội nghị

Tại Hội nghị, lãnh đạo phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự đã trình bày chuyên đề "Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự”. Chuyên đề đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự như: vi phạm, thiếu sót về định tội danh không đúng; bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội; xác định sai tiền án, sai khung hình phạt... đã không được Kiểm sát viên phát hiện trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự dẫn đến bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm tuyên sửa án; hủy án để điều tra lại hoặc xét xử lại, làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án. Công tác kháng nghị hình sự phúc thẩm ngang cấp của Viện kiểm sát hai cấp còn có những hạn chế, chưa phát huy hết chức năng, vai trò của mình, một số Viện kiểm sát cấp huyện nhiều năm liền không có kháng nghị phúc thẩm hình sự.... Đồng thời xác định nguyên nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại trong công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, từ đó đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Viện kiểm sát hai cấp.

Đồng chí Phạm Viết Vượng- Phó viện trưởng điều hành tham luận và tham luận của các đơn vị

Hội nghị đã được nghe các ý kiến tham luận của các đơn vị trong ngành nêu lên những kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; việc kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án để nâng cao số lượng, chất lượng công tác kiến nghị; kháng nghị phúc thẩm..., đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo viện, đồng chí Phạm Viết Vượng - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh một lần nữa khẳng định việc tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề là thực sự cần thiết, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực tiễn công tác của Kiểm sát viên Viện kiểm sát hai cấp. Đồng chí đánh giá cao sự chuẩn bị của Phòng nghiệp vụ về tài liệu và tham mưu tổ chức hội nghị, biểu dương các đơn vị đã tham luận nội dung cụ thể, chất lượng. Đồng chí yêu cầu Phòng 7 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp thu các ý kiến tham luận, bổ sung hoàn thiện tài liệu tập huấn, chuyển Viện kiểm sát các huyện, thành phố để khai thác, sử dụng, đồng thời Thông báo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại Hội nghị tập huấn đến Viện kiểm sát hai cấp; phối hợp với Văn phòng Tổng hợp xây dựng báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tổ chức tập huấn./.

Bùi Thị Thuý Hằng - Phòng 7

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 3096

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5726163