Quá trình thành lập và phát triển của Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án - Viện KSND tỉnh Thái Bình
6/30/2020 9:44:48 AMNgày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20-L/CTN công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là một hệ thống cơ quan Nhà nước độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, thực thi quyền lực Nhà nước, góp phần đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Đây là cơ sở pháp lý để hình thành hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Trong bối cảnh chung đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã được thành lập tháng 01/1961; theo đó các phòng trực thuộc của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định.
*Về tổ chức bộ máy của Phòng qua từng giai đoạn:
Năm 1982, Phòng được thành lập mang tên “Phòng kiểm sát giam giữ, cải tạo”. Năm 2003 đổi tên là “Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù”. Năm 2013 đổi tên là “Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”. Tháng 02/2020, thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về sáp nhập các phòng trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, “Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự” được sáp nhập và đổi tên là “Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án”.
Cơ cấu tổ chức hiện nay:
- Tổng số biên chế có 07 đồng chí, gồm: 01 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng; 01 Kiểm sát viên trung cấp; 02 Kiểm sát viên sơ cấp và 01 Kiểm tra viên;
Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật 07;
Trình độ chính trị: Cao cấp 04, Trung cấp 01
- Chi bộ có 08 đảng viên (có 01 Đảng ủy viên sinh hoạt tại chi bộ).
Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ “Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù”(giai đoạn 2010-2012)
Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự (Phòng 11 trước khi sáp nhập, giai đoạn 2018-2019)
*Chức năng, nhiệm vụ của Phòng hiện nay:
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, đơn vị và người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành hình phạt tù; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp; tham mưu cho Lãnh đạo Viện các vấn đề có liên quan đến chỉ đạo, quản lý nghiệp vụ về lĩnh vực công tác này. Quản lý tình hình hoạt động, hướng dẫn và chỉ đạo về nghiệp vụ kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, hành chính đối với các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án đã có nhiều thành tích trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển, lớn mạnh của ngành Kiểm sát Thái Bình. Hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án giúp cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án của người có trách nhiệm và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án được chính xác, góp phần phòng ngừa oan, sai; đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để; quyền, nghĩa vụ và chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân, người được thi hành án, người phải thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực thi nghiêm chỉnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật liên quan.
Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án năm 2020
Một số hình ảnh hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng8
Đồng chí Trần Thị Thu Trà - Phó Viện trưởng - Triển khai quyết định, kế hoạch tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Phụ (năm 2020)
Đồng chí Phạm Viết Vượng - Phó Viện trưởng, công bố quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình (năm 2019)
Kiểm sát viên kiểm sát việc tiêu hủy các vật chứng
*Hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng (giai đoạn 2015-2019):
-Trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự:
Ngày 25/11/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Ngày 08/12/2015, Chủ tịch nước ký Lệnh số 25/2015/L-CTN công bố Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Cùng với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã có những quy định chặt chẽ hơn cho các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự về việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; đồng thời cũng xác định rõ hơn phạm vi, chức năng, thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân đối với hoạt động kiểm sát trong lĩnh vực này. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã quán triệt tại chỉ thị công tác hàng năm về vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án; đặc biệt là Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 về “tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự” và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 18/6/2019 về “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự”. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-VKSTB ngày 31/7/2018 về việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-VKSTC và Kế hoạch số 38/KH-VKSTB ngày 22/7/2019 về việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC để quán triệt, tổ chức triển khai đến hai cấp kiểm sát tỉnh Thái Bình, đưa nội dung thực hiện các Chỉ thị vào kế hoạch công tác hằng năm. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Tòa án cùng cấp và các đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình; Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án đã nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát: Đã thực hiện và chỉ đạo Viện kiểm sát cấp huyện kiểm sát tạm giữ 5695 người, tạm giam 5835 người, thi hành án phạt tù 4890 người, án treo 3188 người, án phạt cải tạo không giam giữ 660 người, án phạt quản chế 13 người, cấm đảm nhiệm chức vụ 10 người. Kiểm sát 100% hồ sơ tạm giữ, tạm giam. Trực tiếp kiểm sát tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ 223 cuộc, trong đó có 33 cuộc kiểm sát đột xuất. Kiểm sát 100% việc ra và gửi quyết định thi hành án hình sự của Tòa án. Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ, trốn thi hành án, tại ngoại tự nguyện đi thi hành án. Ban hành 57 yêu cầu áp giải bị án đi chấp hành án. Trực tiếp kiểm sát Cơ quan Thi hành án hình sự hai cấp 45 cuộc và 615 lượt tại Uỷ ban nhân dân cấp xã trong công tác thi hành án. Nghiên cứu, kiểm sát 372 hồ sơ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện; đề nghị và được Hội đồng xét giảm án phạt tù cho 323 bị án, miễn chấp hành án phạt tù 01 bị án, tha tù trước thời hạn có điều kiện 25 bị án. Kiểm sát xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ 357 bị án.
Tham mưu cho Lãnh đạo Viện hai cấp ban hành 03 kháng nghị, 253 kiến nghị với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Tòa án, Cơ quan Thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Ban hành 29 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
- Trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính:
Ngày 25/11/2014, Quốc hội ban hành Luật số 64/2014/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008. Luật đã bổ sung về phạm vi điều chỉnh; quy định rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án, quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án; thời hạn ra quyết định thi hành án...; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án dân sự (Khoản 2, Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2014).
Thực hiện các quy định của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ‘Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính", Quyết định số 810/2016/QĐ- VKSTC ngày 20/12/2016 về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 06/10/2013 của liên ngành Bộ tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Phòng đã thực hiện và chỉ đạo hai cấp kiểm sát thụ lý thi hành án 28.350 việc, đình chỉ thi hành án 823 việc, miễn, giảm thi hành án 132 việc. Kiểm sát 100% việc lập hồ sơ, phân loại điều kiện thi hành án của Cơ quan Thi hành án dân sự; kiểm sát 71 việc cưỡng chế thi hành án; xác minh 489 việc chưa có điều kiện thi hành. Trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan Thi hành án dân sự 45 cuộc; phúc tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị 43 cuộc. Kiểm sát xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án 881 việc, ban hành 17 yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự lập hồ sơ xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành 01 kháng nghị, 106 kiến nghị yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cùng cấp khắc phục vi phạm.
Phát huy những kết quả đạt được, lập thành tích hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2020), Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án đã và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nghiệp vụ đề ra, cùng toàn ngành Kiểm sát Thái Bình thực hiện xuất sắc Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác của Viện kiểm sát nhân dân, hưởng ứng có hiệu quả các phong trào thi đua do Ngành và địa phương phát động.
* Thành tích của đơn vị đã đạt được( từ năm 2000 trở lại đây):
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Bằng khen trong các phong trào thi đua theo chủ đề, các năm: 2005, 2012, 2014, 2015, 2017, 2018, 2019.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình tặng Bằng khen các năm 2002, 2006,2012, 2013, 2015, 2016.
- Nhiều năm được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận danh hiệu thi đua “Tập thể lao động xuất sắc”. Ngoài ra, các năm đều được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”.
* Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ:
Các đồng chí Trưởng phòng:
- Đồng chí Nguyễn Đức Xuyên (1982 – 7/1991).
- Đồng chí Vũ Văn Inh (8/1991 – 9/2002).
- Đồng chí Hoàng Thúc Thắng (01/2003 – 6/2005).
- Đồng chí Trần Mạnh Toàn (9/2005 – 2/2008).
- Đồng chí Đoàn Thanh Bình (3/2008 – 9/2009).
- Đồng chí Phạm Thị Thanh Bình (01/2010 – 4/2012).
- Đồng chí Nguyễn Văn Cường (5/2012 –12/2014).
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà (01/2015 – 12/2017).
- Đồng chí Phạm Xuân Tuân (01/2018 – đến nay)
Các đồng chí Phó Trưởng phòng:
- Đồng chí Trần Mạnh Toàn (4/2004 – 8/2005).
- Đồng chí Phạm Xuân Tuân (7/2007 – 7/2008).
- Đồng chí Lê Minh Thứ (5/2010 – 7/2011).
- Đồng chí Đặng Huy Tuân (8/2011 – 4/2012).
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà (5/2012 – 12/2014).
- Đồng chí Phạm Đức Hoành (8/2015 – 10/2017).
- Đồng chí Nguyễn Văn Trình (01/2018 – 8/2019).
- Đồng chí Lê Thị Hiên (9/2019 – đến nay).
- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà (02/2020 - đến nay)
Phạm Xuân Tuân – Phòng 8 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh