Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Thái Bình
2/21/2022 4:06:38 PMCông tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát nhân dân được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật hiện nay như: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Luật tố tụng Hành chính năm 2015;; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của liên ngành Trung ương về quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo, trong đó quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa các Cơ quan tư pháp trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 cuar VKSNDTC về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định số 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của VKSND tối cao Quyết định ban hành quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp…
Năm 2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là: Đề xuất, thực hiện giải quyết các vụ án, vụ việc bảo đảm có căn cứ, trách nhiệm, đúng pháp luật, qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật để yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là biện pháp góp phần phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Đơn vị Thanh tra-khiếu tố luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo là công tác quan trọng của Đảng và Nhà nước với quan điểm “Dân là gốc”, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, tập thể và cá nhân. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ hạn chế được cơ bản những vụ việc bức xúc, phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, giữ vững sự ổn định phát triển đất nước, củng cố và tăng niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong các khâu công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 4, Điều 6 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Thực hiện công tác này nhằm đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, thời gian qua đơn vị Thanh tra-khiếu tố Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã chú trọng tập trung chỉ đạo công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, do vậy chất lượng công tác đã được từng bước nâng lên. Năm 2022 đơn vị Thanh tra-khiếu tố Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là Tăng cường thanh tra đột xuất đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và tăng cường các biện pháp để kịp thời nắm, xử lý thông tin về cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, nghiệp vụ, vi phạm pháp luật,đồng thời đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả, cụ thể: Tham mưu cho lãnh đạo Viện thực hiện việc phân công nhiệm vụ của đơn vị đúng với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gọi tắt là Quy chế số 51); Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Quy định về quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao); triển khai học tập kịp thời, đầy đủ các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ; cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự nghiên cứu, học tập để trang bị kiến thức nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, đề xuất đường lối xử lý, giải quyết công việc; trau dồi đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp để có những phản ứng linh hoạt, nhạy bén, xử lý nhanh nhẹn mọi tình huống trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tham mưu đề xuất những quy trình cũng như đường lối giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật; chú trọng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, phối hợp với các cơ quan tư pháp giải quyết dứt điểm những vụ, việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác.
Do triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong những tháng đầu năm 2022, công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của đơn vị Thanh tra-khiếu tố Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu thực hiện được một số chỉ tiêu nghiệp vụ của đơn vị theo kế hoạch công tác đã đề ra, 100% đơn tiếp nhận được phân loại, xử lý, giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và quy chế của ngành. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, đơn vị cũng luôn đôn đốc và chủ động phối hợp các cơ quan tư pháp rà soát việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài. Đồng thời để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp ở hai cấp, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị cấp huyện, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm để khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm trong quá trình xử lý, giải quyết đơn. Qua đó, công tác lập hồ sơ, phân loại, xử lý, giải quyết đơn của Viện kiểm sát cấp huyện đã có nhiều chuyển biến, cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy chế của Ngành. Về chất lượng cán bộ cũng ngày càng được nâng lên, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị đã chủ động hơn trong công việc, tự nghiên cứu, học tập những văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính và các thủ tục tố tụng có liên quan...; chủ động tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Viện đường lối giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, chủ trì tổ chức đối thoại và nghiên cứu hồ sơ để tham gia đối thoại với công dân; chủ động tiến hành các cuộc trực tiếp kiểm sát đối với các cơ quan tư pháp, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục.
Với việc quyết tâm thực hiện các giải pháp chất lượng công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp tại VKSND hai cấp tỉnh Thái Bình đã góp phần vào công tác kiểm sát chung của toàn ngành và góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lê Hồng Điệp-Thanh tra-khiếu tố