Tin nghiệp vụ
Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị án dân sự về “Tranh chấp thừa kế tài sản”
5/25/2022 9:47:23 AMBản án sơ thẩm số 10/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện, tỉnh TB về“Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Công Hợp, bà Nguyễn Thị My, bà Nguyễn Thị Mỵ và bị đơn bà Nguyễn Thị Chanh cùng một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐH kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh TB đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị sửa án sơ thẩm do: Xác định di sản thừa kế không đúng dẫn đến chia kỷ phần thừa kế không chính xác; chia thừa kế không thống nhất với việc xác định diện hưởng thừa kế; cách tính kỷ phần và thanh toán giá trị không đúng.

1. Nội dung vụ án

Cụ Nguyễn Công Hòa (mất năm 2011) và cụ Hoàng Thị Nhiên (mất năm 2017) sinh được 6 người con là các ông, bà: Nguyễn Công Hợp, Nguyễn Thị My; Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Thị Mỳ, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Thị Chanh; các cụ chết không để lại di chúc. Di sản các cụ để lại gồm:

+ Quyền sử dụng đất tại Thửa 177, tờ bản đồ 08, diện tích 297.1m2 (trong đó 200m2 là đất ở, 97,1m2 là đất vườn) tại thôn Hoành Từ, xã ĐC, huyện ĐH;

+ Tài sản trên thửa 177 gồm: 03 nhà cấp 4; 01 bể nước; nhà bếp, bể nước, nhà tắm, sân, cổng, dậu, tường bao, cây cối, đất đôn lấp (có công duy trì tôn tạo của bà Chanh);

+ Quyền sử dụng đất ao tại thửa 178, tờ bản đồ 08, diện tích là 347,8m2 tại thôn Hoành Từ, xã ĐC, huyện ĐH;

+ Quyền sử dụng đất vườn tại thửa 247, tờ bản đồ 08, diện tích 104,5m2  thôn Hoành Từ, xã ĐC, huyện ĐH (bà Chanh trình bày đã bán cho ông Cảnh, nhưng chưa làm thủ tục tại xã).

+ Đất nông nghiệp theo tiêu chuẩn ruộng cơ bản trộn chung với bà Chanh và anh Mạnh (con bà Chanh): Tiêu chuẩn ruộng cơ bản của hộ gia đình cụ Hòa (4 khẩu gồm cụ Hòa, cụ Nhiên, bà Chanh, anh Mạnh) được tính là: mỗi khẩu theo QĐ 652 là 660m2; mỗi khẩu theo QĐ 948 là 58m2. Riêng anh Mạnh không có khẩu theo QĐ 652. Trong đó: quy đổi 212m2 đất ruộng vào 425m2 đất ao; quy đổi 88m2 đất ruộng vào 176m2 đất vườn. Diện tích ruộng còn lại được chia ở 3 xứ đồng là 1.911m2.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Hợp, bà Chanh, bà Mỳ, bà Duyên và những người liên quan đồng ý chia tất cả di sản thừa kế của cụ Hòa, cụ Nhiên. Tại phiên tòa ông Hợp, bà My và bà Mỵ rút 1 phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu chia thửa đất 177, 178 tờ bản đồ 08 thôn Hoành Từ, xã ĐC mà đề nghị xác định đây là tài sản của ông Nguyễn Công Toại, buộc bà Chanh phải thu dỡ các tài sản trên đất để trả lại cho ông Toại và chỉ yêu cầu chia tài sản là nhà trên thửa 177, thửa 247 và đất ruộng.

Ông Nguyễn Công Toại, sinh năm 1937, trú tại thôn Hoành Từ, xã ĐC huyện ĐH được ông Hợp đề nghị đưa vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ông Toại yêu cầu Tòa án tuyên bố thửa đất số 177, 178 tờ bản đồ 08 thôn Hoành Từ, xã ĐC là của ông vì ông được bà nội ông đồng thời là bà nội của ông Hợp là cụ cố Vũ Thị Cơ để lại cho ông. Ông chỉ cho ông Hòa, bà Nhiên mượn ông sẽ đòi lại sau khi ông Hòa, bà Nhiên chết.

2. Quá trình giải quyết của Tòa án.

Bản án số 10/2021/DS-ST ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện ĐH, tỉnh TB quyết định:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Công Hợp, bà Nguyễn Thị My và Nguyễn Thị Mỵ về việc chia di sản thừa kế

- Không chấp nhận yêu cầu của ông Hợp, bà My, bà Mỵ về việc xác nhận thửa đất 177, 178 là của ông Nguyễn Công Toại.

- Xác định thửa đất số 177 và 178 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Nguyễn Công Hòa và cụ Hoàng Thị Nhiên nay là di sản thừa kế.

+ Giao cho ông Hợp được sử dụng đất và tài sản gồm: Sử dụng diện tích 83,9m2 đất ở thửa 177; sở hữu tài sản trên đất (gồm 24,8m2 sân bê tông, 02 cây đu đủ, 03 cây mít, 08 cây cau, 16,64 m tường bao, 42,84 m3 đất đôn lấp) và 710m2 đất ruộng ở thửa Đông Cầu Dừa.

+ Chia cho bà Chanh được sử dụng đất và sở hữu tài sản gồm:

Sử dụng 213,2 m2 đất tại thửa 177 (trong đó 116,1 m2 đất ở, 97,1 m2 đất vườn); 347,8m2 đất ao tại thửa 178; 104,5m2 đất vườn thuộc thửa 247; 590m2 đất ruộng Đông cầu Dừa còn lại sau khi chia cho ông Hợp (trong đó gồm 441,5 m2 bà Chanh được chia thừa kế); 468 m2 đất ruộng Tây Cầu Chẹm và 143, 5m2 đất ruộng Mạ. Bà Chanh được sở hữu các tài sản nằm trên thửa 177, 178 trên phần đất được chia. 

Anh Mạnh được sử dụng 58 m2 đất ruộng tiêu chuẩn của anh Mạnh trong phần diện tích ruộng mà bà Chanh được sử dụng.

Buộc bà Chanh phải thanh toán chênh lệch về tài sản cho ông Hợp số tiền là 18.071.500 đồng. Bà Chanh và ông Cảnh có nghĩa vụ làm các thủ tục pháp lý theo quy định đối với thửa đất 247.

- Đình chỉ đối với yêu cầu của ông Nguyễn Công Toại yêu buộc bà Chanh trả lại thửa đất 177 và 178.

3. Những vi phạm của bản án sơ thẩm được xác định trong bản án phúc thẩm.

- Vi phạm trong việc xác định di sản thừa kế của cụ Hòa và cụ Nhiên:

Đối với đất ruộng: Theo tài liệu UBND xã ĐC cung cấp thì xã đã giao ruộng cho hộ gia đình cụ Hòa, Nhiên gồm: 3 khẩu theo quyết định 652 (của cụ Hòa, cụ Nhiên, bà Chanh), mỗi khẩu 660 m2; 4 khẩu theo quyết định 948 (của cụ Hòa, cụ Nhiên, bà Chanh và anh Mạnh) mỗi khẩu 58m2. Tổng ruộng được chia là 2.212 m2. Do thực hiện Quyết định số 652 của UBND tỉnh TB về hạn mức đất nông nghiệp thì từ năm 1992 hộ gia đình cụ Hòa (gồm 3 khẩu: cụ Hòa, cụ Nhiên và bà Chanh) đã sử dụng ao và vườn được quy đổi từ 212 m2 đất ruộng vào 425m2 đất ao; từ 88m2 đất ruộng vào 176m2 đất vườn. Như vậy 1/3 phần đất vườn và ao được quy đổi từ tiêu chuẩn ruộng tại các thửa đất 177, 178 và 247 nêu trên là tiêu chuẩn của bà Chanh được hưởng. Song Bản án của Tòa án lại nhận định toàn bộ 3 thửa đất số 177, 178, 247 là di sản của cụ Hòa, cụ Nhiên mà không trừ đi phần của bà Chanh, anh Mạnh được hưởng là không chính xác.

Đối với đất ruộng sau khi trừ đi phần ruộng 58 m2 thuộc tiêu chuẩn của anh Mạnh, phần ruộng còn lại là 1.853 m2, thì phần di sản của cụ Hòa, cụ Nhiên sẽ là 2/3 số ruộng còn lại này(1.236m2). Tòa án xác định 1.418 m2 đất ruộng là di sản thừa kế là không chính xác. 

- Vi phạm trong việc xác định diện hưởng thừa kế và chia thừa kế: Bản án sơ thẩm xác định diện hưởng thừa kế của cụ Hòa, cụ Nhiên là gồm 6 người con: Ông Hợp, bà My, bà Mỵ, bà Mỳ, bà Duyên và bà Chanh, mỗi người được hưởng 1/6 di sản. Song tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm lại chỉ chia di sản thừa kế cho 2 người là ông Hợp và bà Chanh là chưa chính xác. Lẽ ra phải tính tách riêng những phần tài sản không phải là di sản, đồng thời trừ đi trị giá phần tính là công sức tôn tạo di sản và chi phí duy trì, trông coi, bảo vệ di sản, rồi chia đều cho 6 người thuộc diện hưởng thừa kế. Sau đó mới chấp nhận việc nhượng kỷ phần thừa kế của các thừa kế cho ông Hợp, bà Chanh và quyết định giao di sản, cũng như các tài sản khác không xác định là di sản cho ông Hợp, bà Chanh.

- Vi phạm về cách tính kỷ phần và thanh toán giá trị tài sản: ông Hợp và bà Chanh đều được chia di sản thừa kế bằng hiện vật. Bà Chanh được chia phần tài sản có giá trị lớn hơn nên bà Chanh có trách nhiệm thanh toán giá trị di sản chênh lệch so với kỷ phần thừa kế cho ông Hợp là phù hợp. Nhưng Bản án sơ thẩm lại nhận định và quyết định ngoài phần thanh toán chênh lệch giá trị tài sản trên, còn buộc bà Chanh phải thanh toán thêm cho ông Hợp, bà My, bà Mỵ là 5.000.000 đồng là không có căn cứ. Bà Chanh và ông Hợp đều được chia di sản thừa kế bằng hiện vật là công bằng, nên chỉ phải thanh toán giá trị tài sản chênh lệch chứ không phải thanh toán thêm.

Ngoài ra bản án sơ thẩm tuyên giao đất ruộng cho ông Hợp là chưa hợp lý do hiện bà Chanh là hộ sản xuất đất nông nghiệp đã sử dụng toàn bộ đất ruộng ổn định nhiều năm nay, ông Hợp ở trên thành phố, xa nơi có ruộng, án sơ thẩm chia và chuyển giao đất ruộng cho ông Hợp sử dụng là không phù hợp với chính sách của Nhà nước về sử dụng đất. Do đó bản án phúc thẩm giao toàn bộ ruộng cho bà Chanh sử dụng để thuận tiện cho việc canh tác, nộp thuế, tránh để đất hoang hóa.

Trương Thị Huyền - Phòng 9 Viện KSND tỉnh Thái Bình

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 4074

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5865390