Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn Thái Bình
7/16/2021 2:18:04 PMNgày 14/7/2021, tại Kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Khóa XVII, đồng chí Lại Hợp Mạnh – Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phát biểu tại kỳ họp. Bài phát biểu đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của các đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri trong tỉnh.
Đồng chí Lại Hợp Mạnh – Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu tại kỳ họp
Sáu tháng đầu năm 2021, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được kiềm chế song vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tội phạm mới phát sinh, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Toàn tỉnh phát hiện, khởi tố mới 493 vụ/941 bị can về tội phạm các loại, giảm 8 vụ/48 bị can so với cùng kỳ (giảm 1,6% số vụ và 4,8% số bị can).
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia không phát hiện, khởi tố vụ nào song tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động lưu vong và chống đối trong nước hoạt động ngày càng nguy hiểm, triệt để khai thác, lợi dụng mạng xã hội và các vấn đề nhạy cảm, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước (Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, dịch Covid-19 bùng phát trở lại...) để tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước... Tình hình trên đòi hỏi các tầng lớp nhân dân phải đề cao cảnh giác, phòng tránh; các ngành, các cấp đã và phải chủ động phối hợp tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
Các tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội khởi tố mới 166 vụ/538 bị can, tăng 10 vụ và giảm 26 bị can (tăng 6,4% số vụ, giảm 4,6% số bị can). Đáng lưu ý, các tội xâm phạm tình dục trẻ em khởi tố mới 11 vụ/10 bị can (tăng 1 vụ), gây bức xúc dư luận xã hội; trong đó: tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi là 3 vụ/4 bị can; tội Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 6 vụ/5 bị can, tăng 4 vụ/3 bị can; tội Giết người khởi tố mới 7 vụ/10 bị can, tăng 3 vụ/6 bị can (75%), chủ yếu do mâu thuẫn về tình cảm (điển hình là vụ Đào Văn Thịnh giết 3 người tại xã Quỳnh Hoa), vẫn xảy ra việc vụ giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người (sử dụng xianua), giết người do sử dụng điện bẫy chuột (02 vụ); tội Cố ý gây thương tích khởi tố 33 vụ/69 bị can, tăng 3 vụ/29 bị can (10% số vụ, 72,5% số bị can); tội Gây rối trật tự công cộng khởi tố mới 9 vụ/36 bị can, tăng 7 vụ/11 bị can (350%). Một số tội phạm giảm, như tội Vi phạm quy định về giao thông khởi tố 34 vụ/40 bị can, giảm 3 vụ; các tội phạm về Đánh bạc khởi tố mới 55 vụ/342 bị can, giảm 1 vụ/82 bị can, hành vi đánh bạc vẫn diễn ra đa dạng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao để phạm tội gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý và gây bức xúc trong nhân dân. Một số tội phạm mới phát sinh là Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước.. tội Xâm phạm mồ mả.
Các tội phạm về kinh tế, sở hữu, môi trường khởi tố mới 126 vụ/165 bị can, tăng 6 vụ/6 bị can (5%); trong đó: tội Cướp tài sản khởi tố 3 vụ/7 bị can, tăng 1 vụ/4 bị can (50%); Cướp giật tài sản khởi tố 8 vụ/7 bị can, tăng 7 vụ/5 bị can (700%); tội Trộm cắp tài sản khởi tố 83 vụ/105 bị can, tăng 6 bị can và vẫn chiếm tỷ lệ cao (65,9%). Một số tội phạm giảm như: Cưỡng đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đáng lưu ý vẫn xảy ra hành vi lừa đảo tự xưng là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn; lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, “xin” việc làm, “chạy” chế độ chính sách, góp vốn kinh doanh, mua đất... để lừa đảo. Một số tội phạm phát sinh mới như: Hủy hoại rừng; Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên; Mua bán trái phép hóa đơn...
Các tội phạm về ma túy khởi tố mới 199 vụ/233 bị can, giảm 23 vụ/16 bị can (10,4% số vụ, 6,4% số bị can). Tuy nhiên, tội Mua bán trái phép chất ma túy khởi tố 56 vụ/64 bị can, tăng 7 vụ/8 bị can (14,3%); tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy khởi tố 8 vụ/25 bị can, tăng 7 vụ/18 bị can (700% về số vụ và 257% về số bị can)... Việc mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục gia tăng, các đối tượng trong tỉnh câu kết với các đối tượng ngoài tỉnh mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy vào địa bàn tỉnh hoặc trung chuyển đi nơi khác. Thủ đoạn phạm tội tinh vi, sử dụng mạng xã hội để giao dịch hoặc liên tục thay đổi cách thức, phương tiện, địa điểm giao nhận ma túy; việc nam nữ thanh niên tụ tập, tổ chức sử dụng ma túy tập thể có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp.
Tội phạm tham nhũng, chức vụ khởi tố 2 vụ/4 bị can, tội phạm về tư phápchỉ khởi tố 1 bị can về tội Che giấu tội phạm.
Tình hình tội phạm trên do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan: Tình hình kinh tế - xã hội bị tác động, ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19; bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động chống phá; các tai tệ nạn xã hội chưa giảm; việc quản lý, kiểm soát an toàn không gian mạng gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Về chủ quan: Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, nhất là lớp trẻ do bị ảnh hưởng bởi các nội dung thiếu lành mạnh trên mạng xã hội; số người sử dụng, nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn khá nhiều là nguồn nguy hiểm làm phát sinh các loại tội phạm. Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn thiếu sót, sơ hở; công tác phối hợp trong tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, thanh tra, kiểm tra... có lúc, có việc còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Trình độ nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong đấu tranh xử lý các loại tội phạm mới, tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm và sử dụng mạng xã hội, sử dụng công nghệ cao...
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; năm 2021, ngành Kiểm sát Thái Bình đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Toàn ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá là “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn chặt công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; phấn đấu không để xảy ra việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và xét xử huỷ án để điều tra lại có trách nhiệm của Viện kiểm sát” và triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự, nhất là các vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Viện kiểm sát hai cấp phối hợp hiệu quả với các cơ quan bảo vệ pháp luật tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về trật tự xã hội, không để hình thành tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội. Vì vậy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được kết quả khá toàn diện, tỉ lệ khám phá, điều tra, xử lý tội phạm đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có các vụ trọng án, án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết án hình sự được tăng cường, có hiệu quả, không để xảy ra oan sai, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự xã hội.
Đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, ngành Kiểm sát đã chủ động phối hợp với các ngành trong khối nội chính tham mưu, đề xuất thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018, Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 85-KH/TU ngày 16/7/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 32-KL/TW ngày 05/7/2018 của Bộ Chính trị về tình hình an ninh, trật tự nổi lên gần đây; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, các vụ việc thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 26 tỉnh.
Viện kiểm sát hai cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án, bị can thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 26 và được dư luận xã hội quan tâm là: vụ Bùi Mạnh Tiến cùng đồng phạm Cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng; vụ Nguyễn Xuân Đường cùng đồng phạm Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến dịch vụ hỏa táng; vụ Phạm Văn Uý cùng đồng phạm Cố ý gây thương tích xảy ra năm 2012 tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư; vụ Bùi Mạnh Tiến cùng đồng phạm Cố ý gây thương tích xảy ra năm 2018 tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư; vụ Nguyễn Văn Cường cùng đồng phạm Hủy hoại tài sản; vụ Lê Mai Anh và đồng phạm Hủy hoại tài sản, Cưỡng đoạt tài sản; vụ Nguyễn Văn Bình cùng đồng phạm Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Quỳnh Phụ; vụ Nguyễn Xuân Đường cùng đồng phạm Xâm phạm chỗ ở xảy ra tại Công ty Lâm Quyết... bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, được dư luận quan tâm; các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Thái Bình luôn thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ, chặt chẽ các quy định của pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 26, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử với phương châm xử lý triệt để, nghiêm minh, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; kịp thời báo cáo lãnh đạo liên ngành về tiến độ, kết quả điều tra, truy tố, đồng thời bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tham mưu đề xuất hướng giải quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kịp thời báo cáo cấp ủy, Ban Chỉ đạo 26 và liên ngành cấp trên xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Đến nay về cơ bản giải quyết được các vụ án nghiêm trọng, dư luận quan tâm, triệt phá hầu hết các băng nhóm tội phạm trên địa bàn tỉnh; bảo đảm yêu cầu về pháp luật và chính trị, ổn định tình hình địa phương, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nói chung và giải quyết các vụ án nghiêm trọng, được dư luận quan tâm vẫn còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục đó là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu; công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình có nơi, có lúc chưa chủ động, kịp thời nên có một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận và hiệu quả đấu tranh phòng chống chưa cao như giết người, xâm phạm tình dục trẻ em, ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng về chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm có vụ còn chưa chủ động, thiếu kịp thời, một số vụ việc chưa được xử lý quyết liệt, còn tư tưởng cầu toàn trong xử lý nên dẫn đến không bảo đảm thời hạn luật định, không đáp ứng yêu cầu của tình hình…Có nhiều nguyên nhân song chủ quan là do ý thức, trách nhiệm của một số lãnh đạo, cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đến việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nên chưa đáp ứng yêu cầu và quy định; công tác kiểm tra, chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; việc phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với nhau và với cấp ủy, chính quyền, các ngành chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời, không thống nhất song không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Từ thực tế công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; ngành Kiểm sát đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Phải nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, yêu cầu tại các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành.
Phải làm tốt công tác nắm tình hình một cách toàn diện, kịp thời để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và có biện pháp chỉ đạo giải quyết đấu tranh phòng chống tội phạm nhất là các loại tội phạm mới, tội phạm có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận và các vụ, việc liên quan đến an nính chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả hơn để đẩy mạnh công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế, hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo 26 tỉnh theo dõi, chỉ đạo để bảo đảm đúng quy định, đáp ứng yêu cầu.
Đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm; các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc nhận định, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của vụ án, vụ việc để tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo về đường lối giải quyết bảo đảm việc xử lý được đúng hướng, có căn cứ pháp luật, ổn định tình hình và tạo được đồng thuận cao của dư luận xã hội.
Cần tổ chức thực hiện thường xuyên và nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của cấp uỷ và quá trình giải quyết đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, dư luận quan tâm.
Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thấy các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em tăng, gây bức xúc trong dư luận; việc mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy diễn biến rất phức tạp; các tội phạm công nghệ cao nhất là việc giả danh, mạo danh để lừa đảo, đánh bạc qua mạng viễn thông, mạng xã hội xảy ra ngày càng nhiều... Đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, đề cao cảnh giác và kỹ năng phòng tránh tội phạm nhất là các tội phạm sử dụng mạng xã hội và công nghệ cao để phạm tội; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự; kịp thời phát hiện, xử lý sớm, triệt để nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.
Trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về đấu tranh phòng chống tội phạm theo Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị, các kế hoạch, chương trình đã đề ra. Tăng cường các biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm minh, triệt để các loại tội phạm, nhất là các tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, án dư luận xã hội quan tâm, tội phạm ma túy, cờ bạc, mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em, “tín dụng đen”, các băng nhóm tội phạm, tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19...
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm (xác định án trọng điểm, tổ chức phiên tòa lưu động, rút kinh nghiệm…) và các hình thức tuyên truyền khác để góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời cần tổng hợp, xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm và các vụ án nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm./.
VĂN PHÒNG TỔNG HỢP