Thông tin tuyên truyền
Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình dự và phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp Quý I năm 2022
4/6/2022 10:59:42 AMSáng ngày 5/4/2022, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp Quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II năm 2022. Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo 26 tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư trường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo 26 tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố dự hội nghị.

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Lại Hợp Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đánh giá về tình hình tội phạm trong Quý I năm 2022, đồng chí nêu rõ: Mặc dù tội phạm khởi tố mới giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, đã khởi tố 175 vụ/334 bị can, giảm 12 vụ/12 bị can so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: Tội phạm về xâm phạm về kinh tế, sở hữu, môi trường phát hiện khởi tố 32 vụ, giảm 11 vụ; tội phạm về trật tự an toàn xã hội khởi tố mới 53 vụ, tăng 8 vụ; tội phạm ma túy vẫn diễn biến khá phức tạp, đã khởi tố mới 90 vụ, giảm 9 vụ. Các tội phạm về an ninh, tham nhũng, chức vụ và xâm phạm hoạt động tư pháp không phát hiện, xử lý vụ nào. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các nhóm tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19. Về tình hình an ninh nông thôn, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài của công dân và việc người chưa đủ 18 tuổi phạm tội cũng cần được các cấp ủy, chính quyền và cơ quan khối nội chính đặc biệt quan tâm. Từ đó đặt ra yêu cầu với ngành Kiểm sát là phải tăng cường công tác nắm, quản lý tình hình, công tác phối hợp giữa các cơ quan khối nội chính để giải quyết kịp thời, có căn cứ, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 26 tỉnh.

Về công tác của Ngành trong Quý I, đồng chí Viện trưởng đã nhấn mạnh về việc tăng cường các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà nổi lên là chất lượng, hiệu quả của công tác kiến nghị, kháng nghị. Trong đó, lãnh đạo phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong việc phát hiện, tổng hợp các vi phạm và nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm để ban hành kiến nghị phòng ngừa đối với các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm. Cụ thể: Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành 66 kiến nghị trong các lĩnh vực, tăng 18 kiến nghị so với cùng kỳ năm 2021 (Trong đó: Lĩnh vực tố giác, tin báo tội phạm: 17; điều tra: 1; xét xử: 3; giam giữ: 7; thi hành án hình sự 22; thi hành án dân sự 3; án dân sự: 7; án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động: 5; khiếu tố 1 kiến nghị), trong số này có 5 kiến nghị vụ, việc cụ thể (cùng kỳ năm 2021 không ban hành). Đã ban hành 12 kiến nghị với các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong các lĩnh vực như: Lĩnh vực tố giác, tin báo tội phạm, điều tra 10 kiến nghị (tăng 3 kiến nghị); lĩnh vực dân sự ban hành 2 kiến nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác của Ngành vẫn còn có những hạn chế, tồn tại là: Một số tin báo, vụ án hình sự, dân sự còn phải kéo dài thời hạn giải quyết; chất lượng việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ có vụ, việc còn hạn chế còn nhiều thiếu sót; việc phối hợp giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên có lúc, có việc còn chưa chủ động, chặt chẽ, đặc biệt là việc phối hợp đánh giá chứng cứ trước khi kết thúc điều tra nên còn để xảy ra việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; một số Kiểm sát viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu tài liệu chứng cứ, quy định của pháp luật nên vẫn còn việc án dân sự bị huỷ nhưng không phát hiện được vi phạm để kháng nghị.

Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát Thái Bình cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác; chủ động, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành nội chính, đặc biệt là bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề ra các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

 

Nguyễn Đình Phong - Văn phòng tổng hợp

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 5868

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5731108