Tin nghiệp vụ
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình ban hành Kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong quản lý các lớp mẫu giáo mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Thái Bình không để xảy ra việc bạo hành trẻ em.
1/14/2022 6:59:09 AMThực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm; chủ động phát hiện và kiến nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và giải quyết các vụ án hình sự về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình nhận thấy: Thời gian qua, Ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố Thái Bình cấp phép thành lập lớp mẫu giáo mầm non tư thục tăng nhiều, tạo điều kiện cho bố mẹ các cháu đi lao động, học tập, làm việc được yên tâm, các cháu được chăm sóc, dạy dỗ, học tập. Tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục vẫn còn vi phạm, hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện chưa được thường xuyên kịp thời phát hiện vi phạm xử lý, có trường hợp giáo viên không có chuyên môn, không đạt chuẩn, cơ sở lớp mẫu giáo chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp phép cho hoạt động, do không có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, các cháu nghịch ngợm, quấy khóc không dạy dỗ được dẫn đến việc bạo hành, đánh, hành hạ xúc phạm nhân phẩm, xâm hại sức khỏe các cháu, nhân dân bức xúc, dư luận xã hội lên án.  

Điển hình là vụ việc Ủy ban nhân dân phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 thành lập lớp Mầm non tư thục Sao Việt và cấp phép cho chủ cơ sở lớp mẫu giáo mầm non là chị Lê Thị Hương Giang hoạt động trông trẻ tại địa chỉ số nhà 56, đường Trần Thủ Độ, tổ 8, phường Tiền Phong, việc cho phép hoạt động chưa đúng qui định, giáo viên chưa đạt chuẩn; trong quá trình hoạt động năm 2021 chị Lê Thị Hương Giang mở 02 lớp, thuê 04 người làm nhiệm vụ trông coi, chăm sóc, dạy dỗ các cháu, trong 04 người thì có 02 người là có bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến nghiệp vụ sư phạm; còn 02 người không có bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến nghiệp vụ sư phạm; ngoài ra chị Giang còn nhờ em gái ruột của mình là chị Lê Thị Lành, sinh năm 2002 trú tại thôn Lê Lợi, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnhThái Bình (đang là sinh viên học trên thành phố) khi rảnh rỗi không phải đi học thì phụ giúp các cô giáo trông coi, chăm sóc các cháu, cho các cháu ngủ, dỗ các cháu khi khóc; Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 06/4/2021 cháu Hoàng Nhật Nam sinh ngày 15/6/2020 (11 tháng tuổi) khóc không dỗ được, cô giáo Vũ Diệu Linh (không có bằng cấp chuyên môn) có nhờ chị Lê Thị Lành vừa đi học về xuống dỗ cháu, do không có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, dỗ cháu không nín nên đã có hành vi bạo hành, hành hạ cháu Nam, đã dùng tay giữ hai tay cháu Nam rồi nhét 01 khăn vải màu trắng (loại khăn sữa) vào miệng cháu  trong khoảng thời gian 02 phút, vừa nhét vừa đe dọa cháu, mục đích không cho cháu khóc, cô giáo Linh đã can ngăn nhưng chị Lành vẫn không dừng lại, chị Linh đã dùng điện thoại di động quay lại hành động của chị Lành và gửi cho bố mẹ cháu Nam; sau khi bố mẹ cháu tố cáo, chị Lành đã bị các Cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Thái Bình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, Tòa án đã tuyên phạt 21 tháng tù giam, đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình đã căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng giáo viên không đủ điều kiện tiêu chuẩn của chị Lê Thị Hương Giang.

Nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành, hành hạ xúc phạm nhân phẩm, xâm hại sức khỏe các cháu học trong các lớp nhà trẻ mẫu giáo mầm non tư thục, dư luận xã hội lên án có một phần nguyên nhân là do một số Ủy ban nhân dân phường xã trên địa bàn thành phố  đã quyết định thành lập và cho phép các Lớp Mầm non tư thục hoạt động trong khi có giáo viên không đạt chuẩn, không có bằng cấp chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp kém, khi các cháu quấy khóc không biết dạy dỗ; thực hiện chưa đúng Luật giáo dục và quy định tại Điều 10 Nghị định 46 ngày 21/4/2017 của Chính phủ và khoản 5 Điều1 Nghị định 135 ngày 4/10/2018 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 46 ngày 21/4/2017. Điều 10 qui định điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập là: (1) Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định; (2) Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em an toàn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em; đây là thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến vi phạm, tội phạm; đồng thời công tác kiểm tra của Uỷ ban nhân dân cấp xã và Cơ quan chuyên môn về giáo dục còn buông lỏng, chưa thường xuyên kiểm tra sâu sát, chưa phát hiện được vi phạm để xử lý khắc phục.

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, khắc phục hạn chế tồn tại, phòng ngừa vi phạm, tội phạm bạo hành, hành hạ trẻ em xảy ra trong các lớp mẫu giáo mầm non tư thục. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình Kiến nghị với Phòng giáo dục, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các phường xã thành phố Thái Bình các nội dung sau:

Báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố Thái Bình, ngành nội vụ, ngành giáo dục thống nhất tổ chức thi, tuyển dụng giáo viên mầm non có bằng cấp chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp theo đúng qui định của pháp luật và ngành giáo dục để có đủ giáo viên dạy học.

Uỷ ban nhân dân các phường xã khi thành lập các lớp mẫu giáo mầm non tư thục và cấp phép cho hoạt động phải kiểm tra kỹ hồ sơ, điều kiện tiêu chuẩn thành lập, thực hiện theo đúng Luật giáo dục và Điều 10 Nghị định 46 ngày 21/4/2017 của Chính phủ và khoản 5, Điều1, Nghị định 135 ngày 4/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46 ngày 21/4/2017; không được để cho chủ cơ sở lớp mẫu giáo mầm non tư thục tự thuê thêm giáo viên không có bằng cấp đến dạy học.

        Đề nghị cơ quan chuyên môn Phòng giáo dục và Uỷ ban nhân dân các phường xã tăng cường kiểm tra sâu sát việc dạy và học để đảm bảo chất lượng chăm sóc dạy dỗ, đảm bảo vệ sinh, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi học tập của các cháu, kịp thời xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm theo đúng pháp luật và ngành giáo dục qui định, không được để việc cô giáo bạo hành, hành hạ các cháu xảy ra.

Kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong quản lý các lớp mẫu giáo mầm non tư thục không để xảy ra việc bạo hành trẻ em của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình trong năm công tác 2022 được Phòng giáo dục và UBND các phường xã trên địa bàn thành phố Thái Bình tiếp thu và nhân dân đồng tình ủng hộ, các hạn chế tồn tại, sơ hở thiếu sót trong quản lý nhà nước  được khắc phục trong thời gian tới, góp phần bảo vệ quyền trẻ em theo Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em qui định./.

              Phạm Mạnh Tính - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 5218

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5866090