Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Những điểm mới của Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 so với Pháp lệnh số 09/2014/ UBTVQH13 ngày 20/01/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân
9/28/2023 9:51:13 AMSau hơn 8 năm thi hành, Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã bộc lộ một số hạn chế, bên cạnh đó nhiều quy định pháp luật liên quan đến Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 đã được sửa đổi, bổ sung, nhất là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật phòng chống ma túy năm 2021. Do đó, nhiều quy định của Pháp lệnh 09/2014 không còn phù hợp, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ngày 13/12/2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (gọi tắt là Pháp lệnh 03/2022) thay thế Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13.

Một số điểm mới của Pháp lệnh số 03/2022 so với Pháp lệnh số 09/2014:

Thứ nhất về bố cục: Pháp lệnh số 03/2022 gồm có 05 chương, 44 điều, so với Pháp lệnh số 09/2014 tăng 02 điều (5 chương, 42 điều).

 Thứ hai về nội dung: Pháp lệnh số 03/2022 có một số điểm mới sau đây:

1. Dùng từ người đề nghị thay thế cho cơ quan đề nghị và bổ sung người được ủy quyền (nếu có); Người bị đề nghị về lý lịch cá nhân bổ sung thêm số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.

2. Về thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính:  Bổ sung thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

3. Về Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bổ sung thêm sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó.

4. Trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính ghi cụ thể hơn trong việc cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật xử lý vi phạm hành chính.

5. Bổ sung thêm Điều 7 quy định về chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Chi phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí tố tụng; Trách nhiệm chi trả chi phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

6. Về nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Bổ sung thêm trường hợp hồ sơ đề nghị không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, Tòa án trả lại hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do bằng văn bản.

7. Bổ sung thêm đối tượng bị đề nghị trong việc kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Tại khoản 3 Điều 13 quy định: Thẩm phán có văn bản yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư trong trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh này.

8. Về quyền cung cấp tài liệu của người đề nghị, bổ sung thêm: Việc cung cấp tài liệu có thể được thực hiện bằng phương thức sau đây: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

9. Về yêu cầu bổ sung tài liệu, bổ sung thêm: Đối với vụ việc cần có thời gian kiểm tra, đánh giá, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc vụ việc phức tạp khác thì Thẩm phán có thể quyết định thời hạn bổ sung tài liệu là không quá 05 ngày làm việc. Người được yêu cầu phải gửi tài liệu bổ sung cho Tòa án; trường hợp không bổ sung được tài liệu thì phải trả lời hoặc giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

10. Về đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bổ sung thêm căn cứ đình chỉ là: người bị đề nghị mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

Về căn cứ tạm đình chỉ, Pháp lệnh số 03 bỏ người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên.

Tại Điều 16, bổ sung thêm khoản 3 quy định: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày lý do tạm đình chỉ quy định tại khoản 2 Điều này không còn thì Tòa án ra quyết định tiếp tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc quyết định đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

11. Tại Điều 19, quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp bỏ việc ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia phiên họp đối với trường hợp là người bị đề nghị.

Cũng tại Điều này, Pháp lệnh số 03 bổ sung thêm được kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh này.

12. Tại Điều 21 về phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

- Bổ sung thêm phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến.

- Đảo lại vị trí, trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp tiến hành các công việc sau đây: Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu tham dự phiên họp; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp; Phổ biến nội quy phiên họp.

- Điểm b khoản 3 Điều 21 Phần thủ tục phiên họp bổ sung thêm trường hợp thay đổi Thư ký phiên họp.

- Điểm đ khoản 3 Điều 21 ghi cụ thể hơn người tham gia phiên họp gồm: Người đề nghị hoặc người được ủy quyền; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị trình bày ý kiến về căn cứ áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; nhân thân của người bị đề nghị; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hình thức, biện pháp đã giáo dục; đề nghị hoặc không đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

- Cũng tại khoản 3 Điều 21 bổ sung thêm điểm h quy định, người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận các vấn đề có liên quan với người đề nghị hoặc người được ủy quyền. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại;

- Khoản 3 Điều 21 của Pháp lệnh bổ sung mới giáo dục tại cộng đồng: Trường hợp Thẩm phán quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì công bố quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

- Bổ sung thêm khoản 4 quy định: Phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này còn phải được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp mặc trang phục hành chính của Tòa án. Cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có) hỗ trợ người bị đề nghị tại phiên họp. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

13. Tại Điều 23 của Pháp lệnh quy định nội dung quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính và các quyết định khác bổ sung thêm trường hợp quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thì phải nêu rõ thời hạn áp dụng và thể hiện rõ việc không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

- Tại Điều này bổ sung thêm quyển kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định.

14. Về việc gửi quyết định của Tòa án, bổ sung thêm mới việc gửi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có hiệu lực pháp luật để thi hành được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

15. Tại Điều 27 của Pháp lệnh quy định về nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính bổ sung thêm: Đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo được nộp trực tiếp tại Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; gửi theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

16. Về việc hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

- Quy định cụ thể hơn, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ phân công Thẩm phán xem xét giải quyết. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và buộc người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

- Bổ sung thêm, Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành ngay, được gửi cho cơ quan Công an, Viện kiểm sát cùng cấp, người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phải chấp hành cư trú và cơ quan hữu quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

17. Tại Điều 30 của Pháp lệnh quy định các Quyết định của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, bổ sung thêm quyết định: quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

18. Về thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án: Pháp lệnh số 03 quy định thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị dài hơn so với Pháp lệnh 09 (Từ 03 ngày làm việc lên 05 ngày làm việc), cụ thể:

- Thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định. Trường hợp người có quyền khiếu nại vắng mặt tại phiên họp hoặc trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà Pháp lệnh này quy định được quyền khiếu nại đối với quyết định đó thì thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được quyết định của Tòa án.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

- Thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định. Trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà Pháp lệnh này quy định được quyền kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đó thì thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 05 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền kiến nghị, kháng nghị nhận được quyết định của Tòa án.

19. Về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

Tại Điều 42 Pháp lệnh 03 cũng được quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với Pháp lệnh số 09. Đối với khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ xem xét, giải quyết. Trước đây Pháp lệnh 09 quy định khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do chính Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết (khoản 2 Điều 41 Pháp lệnh 09).

Pháp lệnh 03 ra đời đã khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh 09, bổ sung những quy định  mới phù hợp với thực tiễn áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính./.

                                       Lại Thị Thu Hà – Phòng 9

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 1258

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5755896