Thực tiễn áp dụng và một số vướng mắc, bất cập trong quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015
10/20/2020 6:56:20 AMTrên cơ sở kế thừa pháp luật tố tụng dân sự trong các giai đoạn trước, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn giữ thủ tục hòa giải trong quy trình tố tụng dân sự nhưng đã phát triển thành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Phiên họp này được quy định cụ thể tại các Điều 208, 209, 210, 211 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 với các quy định về thông báo, thành phần, trình tự và biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Mục đích của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm xác định yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; những vấn đề đã thống nhất, chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu chứng cứ cho đương sự khác; bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Đây cũng là quy định nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tạo sự công bằng trong tiếp cận chứng cứ đối với đương sự để họ có sự chuẩn bị cần thiết cho việc tranh tụng với nhau tại phiên tòa. Về phía Tòa án, thông qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán cũng chốt được yêu cầu của đương sự, có hay không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, đánh giá việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ hay chưa. Thực tiễn áp dụng cho thấy, quy định này đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đảm bảo mọi chứng cứ đều được công khai trong quá trình tố tụng; Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong tố tụng dân sự; Tạo sự công bằng trong tiếp cận chứng cứ đối với đương sự để họ có sự chuẩn bị cần thiết cho việc tranh tụng với nhau tại phiên tòa. Qua đó nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa cũng như chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tuy nhiên việc áp dụng quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ của Tòa án trong thực tiễn chưa thực sự phát huy được mục đích, ý nghĩa mà quy định pháp luật hướng tới. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhiều thẩm phán mới chỉ chú trọng đến việc hòa giải chứ chưa chú trọng việc chú trọng tổ chức cho các đương sự tiếp cận, công khai chứng cứ để phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trong khi đó với trình độ hiểu biết pháp luật của người dân như hiện nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thì đương sự không thể biết để yêu cầu Thẩm phán công khai, cho mình tiếp cận các tài liệu chứng cứ mà Tòa án thu thập hoặc đương sự khác cung cấp. Đồng thời đương sự cũng không biết việc mình phải có nghĩa vụ phải gửi chứng cứ cho đương sự khác. Do đó tại phiên tòa đa phần các đương sự chỉ chủ yếu tranh luận trên cơ sở tài liệu chứng cứ mình có và hoàn toàn bị động với các chứng cứ mà các đương sự khác cung cấp hoặc Tòa án thu thập nên hiệu quả tranh luận không cao, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đương sự phần nào bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số Thẩm phán nhận thức chưa đầy đủ về quy định pháp luật hoặc thiếu trách nhiệm, hời hợt trong việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Cá biệt, có trường hợp do muốn giải quyết vụ án theo ý chí chủ quan của mình, không muốn đương sự tranh luận nhiều nên Thẩm phán đã cố ý không thực hiện đầy đủ quy định về quyền tiếp cận, công khai chứng cứ của đương sự. Mặt khác, bản thân các đương sự do trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế nên cũng không biết để thực hiện hoặc yêu cầu Thẩm phán tạo điều kiện để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
Bên cạnh đó, qua thực tiễn công tác kiểm sát cho thấy quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cũng còn một số vướng mắc, bất cập, khiến cho ý nghĩa của quy định này chưa được đảm bảo và phát huy triệt để. Cụ thể là:
- Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành chưa quy định cụ thể khi nào thì thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ nên thực tiễn có nhiều trường hợp sau khi thụ lý vụ án một thời gian ngắn, thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ. Sau đó Thẩm phán tiếp tục thu thập chứng cứ hoặc các đương sự tiếp tục giao nộp chứng cứ khác nhưng thẩm phán không mở phiên họp để tiếp cận công khai những chứng cứ mới này nên đương sự không biết được. Điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến việc tranh luận của đương sự tại phiên tòa. Trong trường hợp này liệu Viện kiểm sát có thể xác định thẩm phán đã vi phạm tố tụng không trong khi điều luật chưa có quy định cụ thể?
- Nếu như Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định đương sự có quyền yêu cầu đưa ra yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì Bộ luật tố tụng dân sự 2015 lại có sự điều chỉnh trong quy định này. Tại Điều 200 và 201 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định đương sự có quyền đưa ra yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Vấn đề đặt ra là: nếu sau khi thụ lý vụ án một thời gian ngắn, thẩm phán mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và chỉ mở phiên họp một lần như nêu ở trên thì thời gian để đương sự cân nhắc, thực hiện quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập sẽ bị hạn chế rất nhiều. Trong khi đó, thực tế giải quyết các tranh chấp dân sự cho thấy chỉ sau khi tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải các đương sự mới có đủ thông tin để quyết định việc có đưa ra yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập không. Vì vậy quy định này vô hình chung đã phần nào cản trở đương sự đưa ra yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích của mình
- Theo quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó mới tiến hành hòa giải. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều vụ án phức tạp, thẩm phán có thể tiến hành hòa giải nhiều lần trong quá trình giải quyết vụ án và giữa các lần hòa giải này không tiếp nhận, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mới. Trong trường hợp này có nhất thiết mỗi lần tiến hành hòa giải thẩm phán đều phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trước không? Nếu Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần và đến lần hòa giải cuối cùng mới lập biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không?
- Theo quy định tại khoản 5, Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự thì khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, đương sự phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Điểm b, khoản 2, Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự quy định tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán phải hỏi đượng sự về việc gửi chứng cứ cho đương sự khác. Đây là quy định có ý nghĩa góp phần bảo đảm thực hiện tốt nhất sự bình đẳng và quyền tranh tụng của đương sự trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên nếu đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu cho đương sự khác (do không biết hoặc cố tình không thực hiện) thì chế tài như thế nào? Trường hợp đương sự không sao gửi tài liệu cho đương sự khác do không biết nhưng Thẩm phán không thông báo, giải thích khi đương sự đến giao nộp chứng cứ thì có thể xác định Thẩm phán vi phạm Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự không? Nếu tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đương sự có ý kiến về việc chưa được sao gửi tài liệu chứng cứ thì Tòa án có tiếp tục tiến hành hòa giải không?
Trên đây là thực tiễn áp dụng và một số vướng mắc, bất cập trong quy định về việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 qua thực tiễn áp dụng. Thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong nhận thức và áp dụng khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Đoàn Thị Sớm VKSND huyện Tiền Hải