Khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thưc hiện một số quy định của pháp luật về xử lý hành vi Cố ý gây thương tích
8/26/2022 10:05:56 AMTrong những năm qua, tình hình tội phạm về Cố ý gây thương tích có xu hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh những vụ gây thương tích xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bột phát trong đời sống hàng ngày xuất hiện nhiều vụ việc cố ý gây thương tích của các băng, ổ nhóm xã hội để trả thù, tranh giành lợi ích, địa bàn… đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, thậm chí làm chết người. Đối tượng thực hiện tội phạm này ngày càng có xu hướng trẻ hóa và có tính đồng phạm nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường làm cho đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp dẫn tới sự du nhập của lối sống ích kỷ, tác động hình thành bản tính coi thường người khác, sẵn sàng đánh đập, đâm chém gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác chỉ để hơn thua với nhau vì những điều nhỏ nhặt, đặc biệt là ở bộ phận thanh thiếu niên. Mặt khác việc lạm dụng rượu, bia trong đời sống xã hội đã đến mức báo động, đối tượng sử dụng rượu bia cũng ngày càng trẻ hóa, sự ảnh hưởng ngày càng sâu, rộng của phim ảnh, trò chơi, game có tính chất bạo lực cũng đã tác động đến nhận thức và cách hành xử của một bộ phận người dân, khiến cho mâu thuẫn phát sinh và họ sẵn sàng lựa chọn sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Vì vậy công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa đối với tội phạm Cố ý gây thương tích đòi hỏi phải có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và nghiêm khắc hơn nữa.
Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi Cố ý gây thương tích hiện nay được căn cứ theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Trên cơ sở kế thừa, phát huy quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có sự điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng và cụ thể hóa hơn. Tuy nhiên thực tiễn xử lý các hành vi cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự hiện nay đang có những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Cụ thể là:
Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự quy định:
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy căn cứ vào mức hình phạt mà hai khoản nêu trên của Điều 134 quy định có thể thấy rõ ràng việc thực hiện hành vi gây thương tích và để lại hậu quả là làm tổn thương cơ thể của người khác quy định tại khoản 1 có tính chất nguy hiểm, hậu quả nặng nề hơn so với hành vi chuẩn bị phạm tội (chuẩn bị công cụ phương tiện….để gây thương tích) quy định tại khoản 6. Tuy nhiên Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lại chỉ quy định hành vi Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 là một trong những trường hợp chỉ được khởi tố khi người bị hại có yêu cầu, còn hành vi theo khoản 7, Điều 134 thì không. Do đó trong trường hợp quá trình giải quyết vụ án, người bị hại không yêu cầu hoặc rút đơn yêu cầu xử lý đối với đối tượng thì chỉ có đối tượng phạm tội theo khoản 1 Điều 134 mới không bị khởi tố hoặc được đình chỉ điều tra, xử lý, còn đối tượng thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội theo khoản 6 Điều 134 vẫn bị xử lý trách nhiệm hình sự. Quy định này vô hình chung dẫn đến sự thiếu công bằng trong đường lối và biện pháp xử lý đối với các đối tượng phạm tội thuộc hai khoản nêu trên, đồng thời làm giảm hiệu quả của quy định xử lý đối với các đối tượng này.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định hành vi: “Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác” là một trong những hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính. Vậy hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện, hung khí nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho người khác theo Nghị định 144 có giống với hành vi chuẩn bị phạm tội là công cụ, phương tiện, hung khí để chuẩn bị phạm tội theo khoản 7 Điều 134 Bộ luật hình sự không? Nếu có thì tại sao cùng là hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện, hung khí nhưng lại có 02 văn bản với hai hình thức xử lý khác nhau? Hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện, hung khí trong trường hợp nào sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 144, trường hợp nào sẽ bị xử lý theo khoản 7 Điều 134 thì đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Hiện nay các hành vi Cố ý gây thương tích xảy ra tại nơi công cộng làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn diễn ra ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên việc định tội danh và đường lối xử lý đối với hành vi này cũng còn có sự khác nhau về quan điểm, nhận thức pháp luật. Có quan điểm cho rằng do hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến hai khách thể khác nhau được luật hình sự bảo vệ là “sức khỏe của người khác” và “trật tự an toàn xã hội”. Mặt khác hành vi của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của cả tội Cố ý gây thương tích và tội Gây rối trật tự công cộng nên phải xử lý đối tượng về cả hai tội này. Quan điểm thứ hai cho rằng mặc dù hành vi của đối tượng xâm phạm trực tiếp đến hai khách thể khác nhau và hành vi của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của cả hai tội nhưng do hành vi phạm tội diễn ra tại một địa điểm trong cùng thời điểm và giữa hành vi hò hét, chửi bới với hành vi đuổi đánh nhau có mối quan hệ tương hỗ, hành vi này là tiền đề của hành vi kia nên sẽ hút về một tội nặng hơn. Vì vậy trong trường hợp này chỉ xử lý đối tượng về một tội có khung hình phạt nặng hơn. Việc nhận thức pháp luật khác nhau như nêu trên dẫn đến đường lối xử lý các vụ việc tại các địa phương cũng không thống nhất. Hiện nay mới chỉ có công văn 233 ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về nội dung này. Tuy nhiên đây chỉ là văn bản về việc trao đổi nghiệp vụ trong nội ngành Tòa án nên hiệu lực pháp lý không cao. Vì vậy để việc xử lý, giải quyết các vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại nơi công cộng được chính xác, đúng pháp luật đề nghị các ngành chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn để nhận thức và thực hiện thống nhất
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc nhận thức và thực hiện một số quy định của pháp luật để xử lý hành vi Cố ý gây thương tích. Thiết nghĩ trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý hành vi cố ý gây thương tích để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp giữa các văn bản pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi trong nhận thức và vận dụng pháp luật để xử lý đối với loại vi phạm, tội phạm này
Đoàn Thị Sớm – Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình