Giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ
9/13/2023 3:22:48 PMQua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, vừa qua Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải đã ban hành Kiến nghị số 18 ngày 23/8/2023 về việc phòng ngừa tội phạm và vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ tại địa phương.
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Tiền Hải đã đề ra nhiều biện pháp để giảm thiểu tội phạm và vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, như triển khai làm mới hoặc nâng cấp kết cấu hạ tầng các tuyến đường bộ, cầu, cống, hệ thống biển báo tín hiệu giao thông; tổ chức nhiều đợt ra quân với nhiều lực lượng, thành phần tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân, xóa bỏ được nhiều “điểm đen” có nguy cơ mất an toàn về giao thông. Tuy nhiên tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh sử dụng xe gắn máy dung tích dưới 50cc, xe máy điện thường xuyên tụ tập, đi thành hàng ngang, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho chính bản thân và cho xã hội đang diễn ra khá phổ biến. Các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân xảy ra nhiều, không chỉ tác động đến tâm lý của người dân khi tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an của địa phương. Trong thời điểm từ tháng 01/01/2023 đến hết 31/7/2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết 19 người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm, tội phạm về an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, nhưng cơ bản vẫn xuất phát từ nhóm nguyên nhân chủ quan như: Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe theo quy định còn phổ biển. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về Luật Giao thông đường bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng cũng như công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chưa được thường xuyên, liên tục.
Để công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Tiền Hải được thực hiện có hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho nhân dân, đồng thời thực hiện có hiệu quả tháng an toàn giao thông (Tháng 9/2023), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải kiến nghị Trưởng Ban An toàn giao thông huyện chỉ đạo áp dụng một số biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn huyện như:
Thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để làm thay đổi nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, coi việc giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của toàn xã hội; góp phần hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng. Khuyến khích, động viên nhân dân xây dựng lối sống lành mạnh, văn hóa, không sử dụng nhiều rượu, bia trong việc cưới hỏi, ma chay, lễ hội, liên hoan cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt không sử dụng rượu, bia và chất kích thích khác khi tham gia giao thông.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; kiện toàn Ban An toàn giao thông của huyện, chỉ đạo Công an huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vi phạm nhằm hạn chế các điều kiện có thể dẫn đến vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng. Quán triệt, giao trách nhiệm cho những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện nếu để xảy ra việc có cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đến toàn thể nhân dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao, dễ có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như thanh, thiếu niên, học sinh các cấp học trên địa bàn để họ nhận thức được hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ gây ra, có kiến thức hiểu biết về pháp luật, kỹ năng tự phòng tránh tai nạn khi tham gia giao thông. Việc tuyên truyền phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo và Ban Chấp hành Đoàn thanh niên huyện tăng cường giáo dục về an toàn giao thông trong trường học, lồng ghép, đưa những nội dung về an toàn giao thông vào giảng dạy cho học sinh; tổ chức những buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, để tuyên truyền cho đoàn viên, học sinh, hiểu, tôn trọng và chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông.
Phạm Thị Dinh – Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình