Diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm
Sử dụng phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản: Còn vướng mắc trong nhận thức và định tội danh
6/7/2023 3:16:30 PMTrong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự ra đời của các ngân hàng số và ngân hàng điện tử được xem là một bước tiến trong lĩnh vực Ngân hàng, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thanh toán hóa đơn thông qua hệ thống internet mà không cần đến quầy giao dịch. Cùng với sự phát triển của hệ thống Internet Banking thì các loại tội phạm trong lĩnh vực này cũng xuất hiện và trở nên phổ biến. Trong thời gian qua, trên toàn quốc phát hiện và khởi tố, xử lý nhiều vụ án mà đối tượng lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu tài sản trong việc quản lý tài khoản và mật khẩu ngân hàng được cài đặt trên điện thoại di động để chuyển tiền và chiếm đoạt tiền trong Ngân hàng của chủ sở hữu. Tuy nhiên việc áp dụng quy định tại Điều luật nào để xác định tội danh đối với các trường hợp này, trên thực tế cũng còn quan điểm trái chiều, cần thiết phải có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền. Chúng ta cùng xem xét ví dụ dưới đây để làm rõ vấn đề tác giả trao đổi:

Nguyễn Văn A và anh Lê Văn B là bạn bè chơi thân thiết với nhau. Mỗi lần anh B sử dụng điện thoại vào phần mềm Internet Banking để thực hiện các giao dịch Ngân hàng, A để ý và nhớ được mật khẩu của anh B. Ngày 01/01/2023, do cần tiền để chi tiêu, A đã nói dối anh B cho mượn điện thoại để liên hệ với người thân. Sau đó lợi dụng anh B không để ý đã nhập mật khẩu vào phần mềm và chuyển số tiền 10 triệu đồng từ tài khoản của anh B sang tài khoản của chị C (sau đó nhờ chị C rút tiền để đưa cho mình). Sau khi chuyển xong, A đã xóa các tin nhắn liên quan đến việc chuyển tiền. Anh B trình báo với Cơ quan điều tra và vụ việc được khởi tố vụ án, bị can theo quy định.

Quá trình giải quyết đối với vụ án nêu trên, có 2 quan điểm về tội danh:

Quan điểm thứ nhất: A phạm tội trộm cắp tài sản vì đã lợi dụng sơ hở của anh B trong việc quản lý tài sản nên đã đăng nhập vào tài khoản và chuyển tiền, chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng. Mặc dù A đã sử dụng điện thoại di động (là phương tiện điện tử) để thực hiện hành vi này song bản chất hành vi của A là lén lút thực hiện đăng nhập và chiếm đoạt thành công. Mặt khác Điều 290 Bộ luật Hình sự (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử khi thực hiện hành vi chiếm đoạt) đã quy định “ Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này ...” Như vậy mặc nhiên điều luật đã ưu tiên sử dụng các Điều luật về xâm phạm sở hữu để xử lý trước khi xử lý theo Điều 290.

Quan điểm thứ hai: A phạm tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện từ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản vì: Tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự mô tả rất rõ hành vi khách quan, bao gồm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án này, A đã thực hiện hành vi truy cập bất hợp pháp (sử dụng mật khẩu đăng nhập vào tài khoản mà không được sự cho phép của chủ sở hữu), là đã thực hiện đầy đủ hành vi được mô tả tại điểm c khoản 1 Điều 290, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong khi hành vi trộm cắp tài sản không quy định rõ ràng gồm các hành vi gì mà chỉ được hiểu chung chung là hành vi lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chủ sở hữu, lén lút để lấy tài sản ... Do vậy cần xử lý A về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử khi thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Cả 2 quan điểm trên đều có những điểm hợp lý trong lập luận của mình. Ở quan điểm thứ nhất, rất thuyết phục khi chỉ ra việc ưu tiên áp dụng điều luật được quy định rõ ràng trong bản thân điều 290, tức là chỉ áp dụng Điều 290 khi hành vi không thỏa mãn được Điều 173 và Điều 174 Bộ luật Hình sự; trong khi hành vi trong tình huống đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên quan điểm thứ hai cũng hợp lý khi chỉ ra tại điểm c khoản 1 Điều 290 mô tả hành vi rất chuẩn xác với hành vi mà đối tượng đã thực hiện. Mặc dù hình phạt của 2 Điều luật là tương đương nhau, tuy nhiên thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn xảy ra quan điểm trái chiều giữa Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân trong việc xác định tội danh, dẫn đến việc yêu cầu thay đổi quyết định khởi tố; trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc kháng nghị thay đổi tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Thiết nghĩ cần có sự hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định tội danh đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật đối với loại tội phạm này./.

                                                                         Bùi Thảo

                                                Phòng 1-  Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình

 

Tin liên quan
  • Thành viên

Phần mềm quản lý

Liên kết website

Thống kê

Đang truy cậpKhách online : 712

Tổng lượt truy cậpTổng số truy cập : 5760438